Điểm nóng
Sai sót lặp lại tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam
Bảo Như - 16/11/2021 15:30
Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 3 sẽ phải chịu trách nhiệm về một số sai sót, hạn chế trong quá trình triển khai Dự án VRAMP sử dụng vốn vay của WB.
Thi công tuyến tránh Sơn La từ vốn dư của Dự án VRAMP.

Hai lần bị kiểm toán “soi”

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 262/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP).

Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) có tổng mức đầu tư 301,7 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) là 1,7 triệu USD và đối ứng của Chính phủ là 50 triệu USD.

Dự án có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực bảo trì đường bộ này được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án 3 (PMU3) là đại diện chủ đầu tư.

Dự án VRAMP được ký Hiệp định tín dụng số 5331-VN ngày 14/1/2014, có hiệu lực từ ngày 11/4/2014 đến ngày 31/12/2020. Vào tháng 3/2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 360/TTg - QĐ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Sự tùy tiện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Dự án VRAMP còn ở việc mua saắm thiết bị và vận hành quỹ bảo trì. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc chủ đầu tư cho phép PMU3 mua sắm và sử dụng 4 xe ô tô với giá trị 1.055 triệu đồng/xe là quá tiêu chuẩn, định mức theo quy định; việc mua sắm các thiết bị văn phòng không căn cứ trên nhu cầu sau đó lại chuyển cho các đơn vị khác sử dụng là không hợp lý; cử cán bộ đi công tác nước ngoài, nhưng không có báo cáo kết quả học tập…

Theo đó, Thủ tướng cho phép Bộ GTVT không thực hiện bảo trì các tuyến Quốc lộ 5; Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Sao Đỏ trong Dự án VRAMP do đã được đầu tư trong dự án khác và sử dụng phần vốn dư với tổng trị giá 34,13 triệu USD, trong đó vốn ODA là 30,46 triệu USD, vốn đối ứng tương đương 3,67 triệu USD để đầu tư 3 tuyến mới và gia hạn thời gian thực hiện Dự án VRAMP đến năm 2022.

Cụ thể, khoản vốn dư tại Dự án được đầu tư xây dựng tuyến tránh TP. Sơn La, dài khoảng 19,5 km; nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 2 đoạn Km286-Km287+120, quy mô 6 làn xe; tăng cường mặt đường và sửa chữa các công trình trên tuyến Quốc lộ 6 đoạn Km70+650-Km78+300 (bao gồm cả 2 nút giao đầu, cuối tuyến).

Đây đã là lần thứ hai, Dự án VRAMP rơi vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước. Trước đó, vào giữa năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng đã vào cuộc để kiểm toán việc xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án này. Vì vậy, phạm vi kiểm toán lần này phần lớn rơi vào việc triển khai các hạng mục vừa được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh bổ sung.

Điều đáng nói là, dù đã trải qua một lần kiểm toán, nhưng Dự án VRAMP vẫn xuất hiện rất nhiều va vấp, dù không quá nghiêm trọng nhưng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công trình, đặc biệt là từ phía chủ đầu tư (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và đơn vị quản lý dự án (PMU3).

Theo đó, sai sót đầu tiên tại Dự án VRAMP được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến công tác lập, thẩm định và phê duyệt, điều chỉnh dự án.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc đề xuất chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 2 đoạn Km286-Km287+120 chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, dẫn đến việc lại phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Sai sót này xuất phát từ việc thiếu tính kết nối thông tin giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với UBND tỉnh Hà Giang. Dù UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định triển khai đầu tư đoạn tuyến này bằng nguồn vốn khác, nhưng cơ quan có thẩm quyền tại Dự án VRAMP vẫn kiến nghị Thủ tướng cho phép đưa đoạn tuyến Quốc lộ 2, đoạn Km286-Km287+120 vào danh mục Dự án VRAMP.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc Dự án VRAMP còn sai sót khoảng 6 tỷ đồng, trong đó sai sót giá trị nghiệm thu A- B là 2,25 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại 3,9 tỷ đồng. (Tại thời điểm kiểm toán, PMU3 đã có rà soát lại khối lượng thực hiện nhưng chưa tiến hành điều chỉnh giá trị hợp đồng).

Bê trễ tiến độ

Mặc dù được đánh giá là rất gấp do thời hạn gia hạn hiệp định vay vốn sẽ kết thúc vào cuối năm 2022, nhưng tiến độ triển khai một số hạng mục chính thức cũng như hạng mục bổ sung tại Dự án VRAMP rất chậm.

Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, tiến độ Gói thầu Rai/CP 12 chậm khá nhiều so với hợp đồng ban đầu, phải điều chỉnh thời gian thực hiện tới 4 lần, kéo dài 26 tháng; Gói thầu Rai/CP13 phải điều chỉnh thời gian thực hiện 2 lần, kéo dài thêm 17 tháng.

“Nguyên nhân chậm tiến độ 2 gói thầu này là do kinh phí giải phóng mặt bằng không được cấp đầy đủ, một số hộ dân không đồng thuận với phương án bồi thường”, Thông báo số 262 do ông Vũ Văn Họa, Phó tổng kiểm toán Nhà nước ký nêu rõ.

Tuy nhiên, 2 gói thầu nêu trên vẫn chưa phải là gói thầu đứng đội sổ tiến độ tại Dự án VRAMP. Kiểm toán Nhà nước cho biết, Gói thầu TV1 - Tư vấn lập các định mức về bảo trì và nâng cấp đường bộ hiện đã bị chậm 60 tháng so với hợp đồng ban đầu. Nhà thầu đã có báo cáo tổng hợp định mức ngày 20/1/2018, nhưng đến tháng 10/2021 vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

Cần phải nói thêm rằng, trong số các gói thầu tư vấn tại Dự án VRAMP, Gói thầu RAM/G4 từng bị chủ đầu tư phạt 63 triệu đồng do chậm tiến độ cam kết.

Liên quan đến việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận công tác giải ngân vốn đầu tư Dự án VRAMP trong 6 tháng đầu năm 2021 rất chậm. Tính đến ngày 30/6/2021, Dự án VRAMP mới giải ngân được 1,62% vốn WB kế hoạch năm 2021; giải ngân được 20,39% vốn đối ứng kế hoạch năm 2021.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2018, Kiểm toán Nhà nước đã có Thông báo số 463/TB - KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án VRAMP.

Tại Thông báo số 463, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, cơ quan quản lý, điều hành Dự án đã không phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư khi dự án có điều chỉnh, bổ sung các hạng mục công trình lớn; lập thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư còn có sai sót với giá trị lên tới 184 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, chủ đầu tư và PMU3 bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là “chưa tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án; quy trình và chỉ đạo của cấp quyết định đầu tư” làm tăng chi phí đầu tư lên gần 99 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, PMU3 còn tiến hành phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công trong khi chưa phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; chưa tuân thủ chỉ đạo của Bộ GTVT trong quá trình thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn giải pháp thiết kế, tính toán kết cấu... dẫn tới để xảy ra nhiều sai sót làm tăng giá trị công trình bất hợp lý. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn có nhiều sai sót với giá trị 196,56 tỷ đồng, nhiều gói thầu sau khi điều chỉnh có giá trị dự toán thấp hơn giá trúng thầu với tổng giá trị là 38,68 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác