Đầu tư Phát triển bền vững
Sản phẩm không xanh sẽ khó xuất khẩu sang các thị trường lớn
Thế Hoàng - 26/09/2023 17:20
Trước yêu cầu ngày càng cao của những thị trường lớn như EU, Mỹ, các ngành xuất khẩu của Việt Nam từ dệt may, xơ sợi, giày dép, đồ gỗ, đến phân bón, xi măng, sắt thép… đang đứng trước bài toán khó về chuyển đổi sản xuất.

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng từ ngày 1/10/2023 với 6 ngành hàng đầu tiên (sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện, hydro). Các ngành hàng này sẽ bị giám sát, phải báo cáo hàng quý về khí thải và thực hiện đầy đủ các quy định của EU từ đầu năm 2026.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, xuất khẩu đang khó khăn, nhiều ngành hàng, trong đó có dệt may giảm trong bối cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm, cần tìm giải pháp ngắn hạn, tháo gỡ ngay cho sản xuất, kinh doanh, còn trung hạn và dài hạn thì phải hướng tới sản xuất xanh.

“Mặc dù lúc này, EU chưa áp dụng tính thuế carbon với các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may, nhưng rõ ràng họ đã có lộ trình. Do đó, các ngành sản xuất phải chuẩn bị sẵn sàng, khi đầu tư mới phải hướng theo các tiêu chuẩn xanh, sạch, không thâm dụng lao động, tiết kiệm năng lượng và thực hiện được tái chế tuần hoàn với sản phẩm xuất khẩu”, ông Trường nói.

EU đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chuẩn xanh và bền vững. Đây là khu vực quyết tâm nhất, nếu doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh, hài lòng được với khách hàng EU thì sẽ có cơ hội với nhiều thị trường khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay: “Thị trường tiêu dùng sản phẩm xanh bền vững đang rất hứa hẹn, ít cạnh tranh hơn so với thị trường ít xanh vốn đang bị bão hòa”.

Phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu 371,5 tỷ USD năm 2022, do đó các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin thị trường để chuyển đổi, nếu chậm trễ thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều nhà mua hàng lớn trên thế giới đều có chiến lược phát triển bền vững của riêng mình. Đơn cử, với Adidas và Nike, họ đặt mục tiêu đến năm 2025 - 2030 dùng 50% nguyên liệu tái chế được, buộc các nhà cung ứng như Việt Nam phải thay đổi nguyên liệu, nếu không sẽ khó duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng.

Rõ ràng, chuyển đổi sản xuất xanh là bài toán khó và không dễ thực hiện với doanh nghiệp, nhưng đây là lộ trình các ngành sản xuất trong nước bắt buộc phải theo nếu không muốn bị lùi lại phía sau.

Nêu dữ liệu về đáp ứng tiêu chuẩn cao để xuất hàng sang các thị trường khó tính, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương đại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng: “Thực tế, thặng dư thương mại của Việt Nam có được lại đến từ các thị trường có nhiều quy định khắt khe, nhiều biện pháp về phát triển bền vững như EU, Hoa Kỳ, Canada, Anh… Mức thặng dư đã lên tới hơn 100 tỷ USD/năm. Ngược lại, ở những thị trường ít quy định hơn thì đem lại thâm hụt lớn cho Việt Nam.

“Tức là, ở những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao với hàng hóa mà ta đáp ứng được, thì lợi nhuận cao, uy tín quốc gia cũng được nâng lên nhờ doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tiêu chuẩn cao”, ông Khanh nêu.

Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho biết, thị trường EU có tiêu chuẩn liên quan đến môi trường rất cao, các quy định của EU đối với các sản phẩm trong nước liên quan đến môi trường đã được quy định từ năm 1987. Gần đây, các quy định này chặt chẽ hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu tham vọng đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cùng với quy định này, họ đưa ra các đề xuất khác nhau, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo đạt được mục tiêu bao trùm từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, hàng không. Những quy định này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng với các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu của Việt Nam.

Chuyển đổi xanh chắc chắc tiêu tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng nếu nhà cung ứng không chịu mất tiền thì sẽ mất thị trường, mất khách hàng, tức là mất tất cả. Theo bà Loan, doanh nghiệp cần xác định đây một lộ trình, từ đó mỗi doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư theo từng thời điểm, phù hợp với năng lực tài chính. Bởi không chỉ EU, tới đây, nhiều thị trường lớn cũng sẽ áp dụng những chính sách khắt khe về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe với sản phẩm nhập khẩu.

Tin liên quan
Tin khác