Thời sự
Sẵn sàng cho phục hồi kinh tế
Hà Nguyễn - 25/05/2022 08:52
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song nền kinh tế đã sẵn sàng cho sự phục hồi.
Nhiều cơ chế, chính sách đã được thực thi và đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế

Nền kinh tế tiếp tục được “trợ lực”

Ngay trước khi Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 về việc phân bổ hơn 92.000 tỷ đồng Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, phân bổ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 47.000 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 18.000 tỷ đồng và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 27.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Nghị định của Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được ban hành. Theo đó, các đối tượng này khi vay vốn để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, giáo dục - đào tạo, công nghệ chế biến, chế tạo... sẽ được hưởng mức hỗ trợ lãi suất 2%, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023.

Trên thực tế, hai chính sách trên không mới. Các khoản đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được tính đến trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong khi đó, khoản hỗ trợ lãi suất 2% là một phần quan trọng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay, các chính sách hỗ trợ lãi suất và ngân khoản không nhỏ cho các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần quan trọng “trợ lực” cho nền kinh tế.

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nhiều cơ chế, chính sách đã được thực thi, như các chính sách về giảm 2% thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cho vay đối với các đối tượng ưu tiên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội...

Cách đây ít ngày, Chính phủ tiếp tục gia hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...

Một loạt phần việc khác cũng đang được tích cực triển khai, như rà soát, xây dựng danh mục các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công thuộc Chương trình... Tất cả đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.

Điểm tựa cho quá trình phục hồi

Nền kinh tế đang tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã viện dẫn nhiều con số để chứng minh cho nhận định này. Tăng trưởng GDP quý I là 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt trên 562.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 15/5 đạt 20,27% kế hoạch, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2021...

Song Phó thủ tướng thừa nhận, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay là “một thách thức lớn”. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đưa ra nhận định tương tự.

Câu hỏi đặt ra là, đâu sẽ là điểm tựa cho quá trình phục hồi của nền kinh tế? Câu trả lời chính là thực thi có hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề hiện nay chỉ là, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, các chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công cũng chưa đạt yêu cầu...

“Tới đây, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia và sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Trên thực tế, từ hồi tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các yêu cầu sau đó từ Chính phủ là phải rà soát lại, hoàn thiện Danh mục, để làm sao đảm bảo dòng vốn được sử dụng hiệu quả, tránh manh mún, dàn trải.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn thiện danh mục dự án bảo đảm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

“Các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến nay chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vốn, chậm so với yêu cầu. Điều này là do phần lớn các dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình là các dự án mới, cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Sau khi có đủ điều kiện theo quy định mới có cơ sở để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bố trí vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Với sự quyết tâm của Chính phủ và sự “chung vai, sát cánh” của Quốc hội, nền kinh tế đã sẵn sàng để phục hồi.

Để nền kinh tế có thể tiếp tục hành trình phục hồi, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. “Việc làm thế nào để các doanh nghiệp tiếp cận công bằng các khoản vay có hỗ trợ lãi suất cũng như lựa chọn đúng, hợp lý danh mục dự án đầu tư cơ sở hạ tầng... là một nhiệm vụ không dễ dàng”, ông Hiếu nói.
Tin liên quan
Tin khác