Tín hiệu vui
3,2 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu mà ngành dệt may thực hiện được trong tháng 3/2022, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu quý I đạt gần 8,84 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Kết quả này là vô cùng ấn tượng, bởi suốt cả quý I, các doanh nghiệp dệt may phải sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt lao động do tỷ lệ F0 tại hầu hết các doanh nghiệp chiếm 10-15% tổng số lao động.
Điều phối hoạt động sản xuất, duy trì nhà máy sáng đèn, trả đơn hàng đúng hẹn cho đối tác nhập khẩu… đã được lãnh đạo các doanh nghiệp triển khai linh hoạt, hiệu quả. Nhờ đó, kết quả xuất khẩu quý I/2022 đạt được hơn cả mong đợi, chỉ số sản xuất trang phục cũng tăng trên 24%.
Bà Trần Tường Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho biết, tổng số lao động bị F0, F1 của toàn Tổng công ty là 1.719 ca, chiếm 15% tổng lao động. Do số lượng người lao động phải nghỉ nhiều, nên Tổng công ty gặp không ít khó khăn trong việc sắp xếp kế hoạch sản xuất.
Chưa kể, lao động sau khi khỏi bệnh, đi làm lại thì sức khỏe còn yếu, chưa bắt kịp nhịp độ lao động thường ngày, dẫn đến năng suất lao động giảm. Để ứng phó, Dệt may Hòa Thọ đã đàm phán với khách hàng để điều chỉnh thời gian giao hàng, sắp xếp lại kế hoạch và ưu tiên lao động để sản xuất các đơn hàng có tiến độ gấp.
Một doanh nghiệp lớn khác là Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú cũng có lượng lao động là F0 chiếm khoảng 10% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty, với kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh trong năm 2021 và sự chủ động trong việc tổ chức sản xuất, Công ty vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất - kinh doanh và thời gian giao hàng.
Sau năm 2021 thắng lớn, mang về kim ngạch xuất khẩu trên 5,5 tỷ USD, xơ sợi tiếp tục giữ phong độ trong quý I/2022, đạt kim ngạch gần 1,5 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi nhờ đơn hàng gia tăng và giá sợi xuất khẩu được cải thiện.
Ngành hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai (chỉ sau điện thoại) là điện tử, máy tính và linh kiện cũng có kết quả xuất khẩu tăng gần 10% trong quý I/2022, mang về kim ngạch xuất khẩu 13,055 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu điện thoại trong tháng 3 ghi nhận sự phục hồi vượt trội khi mang về 5,9 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu cả quý đạt 14,239 tỷ USD, bằng 99,1% so với cùng kỳ.
Dù xuất khẩu sụt giảm nhẹ 0,9%, nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất của ngành hàng điện thoại, linh kiện trong quý I/2022 đã khởi sắc hơn, tăng 19%. Trong khi đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,4%...
Với các nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp, ngoại trừ rau quả sụt giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 850 triệu USD, do bị ảnh hưởng của việc tắc biên sang thị trường Trung Quốc và hạt điều giảm 5%, còn lại đều có mức tăng ấn tượng. Cụ thể, thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 39%, cà phê 1,217 tỷ USD, tăng hơn 50%, xuất khẩu gạo đạt 750 triệu USD, tăng 10,5%, hạt tiêu tăng 40,8%...
Báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận, các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lên 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự cải thiện chung trong hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo, dù số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây tác động đến nguồn cung lao động, sản xuất và tiêu dùng.
Triển vọng tích cực
Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, nhất là khi nền kinh tế được hưởng lợi từ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi. Đặc biệt, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi đáng kể từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ đầu năm nay, từ đó tăng cường xuất khẩu về may mặc, giày dép, điện tử, máy tính…
Các FTA thế hệ mới sẽ giúp kinh tế tăng trưởng khi Việt Nam mở cửa biên giới, tăng tốc phục hồi. Đặc biệt, với tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục được mở rộng, từ đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng tốt.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp về xu hướng đơn hàng quý II/2022 so với quý I/2022 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy bức tranh lạc quan về đơn hàng. Theo đó, có 40,3% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 14,6% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 45,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Các nhà nhập khẩu Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục đánh giá cao trung tâm sản xuất Việt Nam, với chuỗi cung ứng nhiều ngành trị giá hàng chục tỷ USD. Riêng quý I/2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD. Với EU, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu 7 tỷ USD trong quý I, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước…
Với ngành hàng gỗ, sản phẩm gỗ, triển vọng xuất khẩu sang Mỹ rất tích cực. Bà Tracy Trần, đại diện Mitchell Gold + Bob Williams, một nhà mua hàng cho các chuỗi bán lẻ nội thất tại Mỹ xác nhận, từ năm 2019, đơn vị bà dần chuyển dịch mua hàng từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sang Việt Nam.