Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2020 này. Tại không ít doanh nghiệp, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên đến muộn hơn thường lệ là cơ hội để những người lãnh đạo thêm thời gian để nhìn kỹ và đánh giá sâu sắc hơn những tác động có thể đến từ yếu tố “thiên nga đen” này. Tuy nhiên, trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã phải trình cổ đông bản kế hoạch mới khi năm 2020 đã đi qua ¾ chặng đường.
CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã SKH) vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông giảm mục tiêu cả doanh thu và lợi nhuận, xuống còn 1.430 tỷ đồng và 102 tỷ đồng. Tại bản kế hoạch kinh doanh của công ty trước đó, công ty dự kiến doanh thu giảm gần 15% so với năm 2019 xuống 1.670 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận vẫn đi ngang với lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến đạt 139,2 tỷ đồng và 111,35 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm rất lớn, đặc biệt sức mua và doanh thu giảm sút nghiêm trọng tại các tỉnh có dịch.
Sản phẩm của Sanest Khánh Hòa |
Kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm chính của Sanest Khánh Hòa là nước yến sào Sanest. Các năm gần đây, công ty nghiên cứu và ra mắt một số dòng sản phẩm mới được ra mắt như nước yến sào đông trùng hạ thảo, nước yến sào dành cho người cao tuổi… Dù theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty, các kênh bán hàng trên internet hay mạng xã hội đã được mở thêm, kênh bán hàng truyền thống như qua showroom, đại lý và siêu thị vẫn chiếm tỷ trọng chính trong mạng lưới phân phối của công ty.
Công ty hiện chưa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng nhưng tình hình kinh doanh ngay ở giai đoạn đầu dịch cũng đã chịu ảnh hưởng. Trong nửa đầu năm 2020, doanh thu của Sanest Khánh Hòa cũng giảm 23% về còn 814 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 15%, đạt 60,2 tỷ đồng. Tương đương bình quân mỗi ngày, công ty thu về 4,47 tỷ đồng doanh thu và 330 triệu đồng lợi nhuận.
Mức điều chỉnh kế hoạch của Sanest Khánh Hòa (15-20%) vẫn “khiêm tốn” hơn CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (Pitco, mã PIT). Vào giữa tháng 9 vừa qua, công ty đã đề xuất được giảm 34% doanh thu và tới 80% mục tiêu lợi nhuận đặt ra trước đó. Phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động xuất khẩu với mặt hàng hạt tiêu, cao su, sơn, cả ba mảng kinh doanh này đều bị thu hẹp thị trường tiêu thụ. Riêng hoạt động xuất khẩu cao su, hàng xuất khẩu sang Ấn Độ bị tồn đọng lâu ngày tại cửa khẩu. Sau lần điều chỉnh này, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế sau điều chỉnh lần lượt là 443 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng, giảm 51% và 87% so với kết quả đạt được năm 2019.
Trong khi đó, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chỉ đề xuất giảm 9% kế hoạch doanh thu, vẫn duy trì kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 180 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh năm 2019, mục tiêu doanh thu sau điều chỉnh vẫn tăng nhẹ 2%, trong khi lợi nhuận giảm 20%. Với sự điều chỉnh này, Vissan kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận không rơi sâu như dự tính hồi đầu năm. Công ty dự kiến chỉ giảm nhẹ sản lượng thực phẩm chế biến bán ra so với mục tiêu ban đầu (-4%) với lượng tiêu thụ mục tiêu 27.500 tấn.Trong khi sản lượng thịt lợn và thịt bò lần lượt giảm 14% và 42% còn 18.250 tấn và 1.000 tấn.
Sau nửa đầu năm 2020, Vissan báo lãi sau thuế hợp nhất 88 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động chăn nuôi đã góp phần làm cho mức giảm lãi sau thuế hợp nhất thấp hơn so với của công ty mẹ.Sau 6 tháng, Vissan đã thực hiện 52,7% về kế hoạch doanh thu mới và 60% về kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Cả ba doanh nghiệp đều trình và chờ sự phê duyệt của các cổ đông, dự kiến thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.