Thời sự
Sáu hệ giá trị cơ bản tạo nguồn lực phát triển cho Quảng Ninh
Quỳnh Nga - 28/10/2023 15:51
Quảng Ninh là vùng đất giàu bản sắc và cốt cách riêng. Theo dòng lịch sử, những giá trị về con người và văn hóa nơi đây là tài sản vô giá của các thế hệ người dân Quảng Ninh trên hành trình gìn giữ, xây dựng, phát triển.
Quảng Ninh đang ngày càng đổi mới, phát triển và giàu đẹp- ảnh: Thanh Tùng

Giá trị văn hóa, con người là nguồn lực nội sinh

Có vị trí chiến lược và tiềm năng nổi bật về phát triển kinh tế biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ”. Vị thế này đem lại cho Quảng Ninh một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, đồng thời là một vùng văn hóa mở, đầy năng động. Chắt lọc những tinh hoa từ chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa trên vùng đất mỏ anh hùng, đã vun bồi nên những đặc trưng của vùng đất này, tôi rèn phẩm chất đáng quý của cư dân vùng Đông Bắc, dần hình thành hệ giá trị địa phương, hệ giá trị văn hóa và con người Quảng Ninh.

Nói về những giá trị phổ quát và đặc thù của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, khái quát cao nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người, đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất nơi đây.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những yếu tố đặc thù và mang tính trội về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - tự nhiên, sinh thái..., nằm trong tương quan với các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam, “đến nay, có thể bước đầu định hình hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh gồm 6 giá trị cơ bản cấu thành, đó là thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc”, ông Ký khẳng định.


Đến nay, có thể bước đầu định hình hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh gồm 6 giá trị cơ bản cấu thành, đó là thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc.

- Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lần đầu tiên, “thiên nhiên tươi đẹp” trở thành một giá trị mới của tỉnh và là giá trị đứng đầu trong hệ giá trị của tỉnh. Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tươi đẹp, những di sản văn hóa, lịch sử có thể nói là có một không hai về địa mạo, địa chất. Với trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, cùng hơn 2.000 hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, trải dài theo bờ biển hơn 250 km.

“Thiên nhiên tươi đẹp” đã được định vị trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh. Có thể coi đây là giá trị khác biệt khó nơi nào có được và là một tài sản, nguồn lực, động lực phát triển đặc biệt của tỉnh.

Cách đây 77 năm, ngày 24/11/1946, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và Đảng ta đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Chính vì vậy, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh hết sức coi trọng và sáng tạo trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh.

Quảng Ninh là vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. “Văn hóa đặc sắc” nơi đây có sự giao thoa giữa văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là bản tổng hòa bản sắc văn hóa của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất Quảng Ninh, trong đó có 22 dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía Đông của tỉnh.

Nói về hệ giá trị “xã hội văn minh”, đây là hệ giá trị nằm trong mục tiêu và giá trị chung của văn minh tầm quốc gia, vì ngay từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã xác định 3 mục tiêu của đổi mới: “Dân giàu, nước manh, xã hội văn minh”. Từ đó, “xã hội văn minh” đã trở thành một trong những mục tiêu xuyên suốt trong hành trình đổi mới, phấn đấu trên chặng đường phát triển đất nước.

Quảng Ninh có thể tự hào khẳng định rằng, “hành chính minh bạch” đã thực sự trở thành một giá trị đặc trưng trong hệ giá trị của tỉnh, bởi đến năm 2023, Quảng Ninh đã có 10 năm thực hiện đánh giá về cải cách hành chính và 6 năm đánh giá về đo lường sự hài lòng. Sáu năm liên tiếp (2017 - 2022), Quảng Ninh giữ vị trí quán quân về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu Bảng Xếp hạng Chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đằng sau những “con số biết nói” đó là các động lực từ tác nhân thể chế, tổ chức, nhân lực và sâu xa là sự kế thừa, phát triển những nét giá trị, phẩm chất truyền thống văn hóa, con người Quảng Ninh.

Có nhiều đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế, khi từ một địa phương còn khó khăn, Quảng Ninh đã trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Kinh tế giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định ở mức 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), kể cả trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quy mô nền kinh tế cũng tăng nhanh. Trong 10 năm liền (2013 - 2022), tỉnh luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt 9,46%, cao nhất so với cùng kỳ của các năm từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, đứng thứ tư cả nước.

Trong khi đó, “kinh tế phát triển” là một giá trị nổi trội của tỉnh Quảng Ninh. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện được mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Với sự kiên trì phát triển chuyển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh ngày càng coi trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển theo chiều sâu; không ngừng kiến tạo các không gian phát triển mới, nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển bền vững.

Quảng Ninh lấy con người làm trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đến đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững.

Trong định hình “nhân dân hạnh phúc”, Quảng Ninh xác định người dân thực sự được thụ hưởng những thành quả của đổi mới. Đây sẽ là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.

Có thể thấy, 6 hệ giá trị được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, tạo thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương.

Gìn giữ, xây dựng và phát triển

Quảng Ninh tự hào vì những giá trị khác biệt, nổi trội mà khó nơi nào có được. Đó là “thiên tạo” với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đó là “nhân tạo” với Di sản tinh thần, truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”.

Theo PGS-TS Phạm Duy Đức (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), 6 hệ giá trị của Quảng Ninh mang tính phổ quát. Tỉnh cần tiếp tục xác định việc xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo là một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Nhìn lại, những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, nỗ lực trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa phù hợp với tình hình mới. Tỉnh đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể, phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân vùng mỏ. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các thiết chế văn hóa, điểm du lịch, danh thắng...

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, con người nhìn chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phát triển văn hoá ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng con người, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Còn TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã bày tỏ quan điểm rằng, có nhiều phương diện làm nên thành tựu của tỉnh Quảng Ninh.

Thứ nhất, nhân tố tiên quyết và nổi bật trước hết là phát triển văn hóa trong chính trị hay văn hóa chính trị Quảng Ninh. Nói khái lược, Quảng Ninh đổi mới về tầm nhìn và định vị phát triển. Đây chính là một trong các khâu đột phá phát triển của Quảng Ninh.

Thứ hai, văn hóa trong kinh tế làm nên sự tăng trưởng kinh tế thấm đẫm văn hóa, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa tiên quyết đối với sự phát triển chủ động, toàn diện và hiệu quả.

Thứ ba, trung tâm của mọi sự phát triển kinh tế hay văn hóa là con người. Tổng hòa lại, văn hóa và con người đã và đang là khâu đột phá trước nhất, bảo đảm phát triển chủ động và mạnh mẽ của Quảng Ninh hôm nay.

Tin liên quan
Tin khác