Quốc tế
Sau khi ông Biden nhậm chức, Bắc Kinh kêu gọi quan hệ Trung - Mỹ "trở lại đúng hướng"
Lê Quân - 23/01/2021 20:14
Sau lệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bắc Kinh đang hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington, nhưng cũng cảnh báo về những hậu quả nếu thách thức chủ quyền của Trung Quốc.
Căng thẳng Mỹ - Trung đã leo thang dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP

Mong "một ngày không xa" 

Trong dòng tweet hôm 22/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hua Chunying, cho rằng: "Như truyền thông Mỹ đã đề cập, "một ngày mới cho nước Mỹ". Chúng tôi mong muốn điều tương tự cho mối quan hệ Trung - Mỹ".

"Hai dân tộc đã phải chịu đựng và hy vọng mối quan hệ hai bên trở lại đúng hướng vào một ngày không xa", bà Hua Chunying nói.

Trong 36 giờ sau lễ nhậm chức, Bộ Ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các lệnh trừng phạt mới, cấm 28 cá nhân làm ăn kinh doanh với Trung Quốc, bao gồm cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.

Hầu hết trong số 28 người bị Trung Quốc trừng phạt đều đã làm việc cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng ông Trump không có tên trong số 10 cá nhân được nêu tên. Còn danh tính 18 người khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối làm rõ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố lệnh cấm trên vào khoảng 1 giờ sáng 21/1 (giờ Bắc Kinh), ngay sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào trưa 20/1 (giờ miền Đông Bắc Mỹ).

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đã sớm đăng ít nhất ba bài báo bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung về các lệnh trừng phạt nói trên. Theo đó, các công ty và tổ chức có liên quan với 28 người này sẽ không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh với Trung Quốc.

Cam kết "phản ứng kiên quyết"

Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 21/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã đề cập đến "tiềm năng vô hạn" trong quan hệ tương lai giữa hai nước nếu cả hai bên "xử lý sự khác biệt một cách hợp lý", theo một thông cáo chính thức bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, bà Hua Chunying cũng nhanh chóng nói thêm: "Điều đó cho thấy lập trường rõ ràng của chúng tôi rằng Trung Quốc sẽ có những phản ứng cứng rắn đối với mọi động thái phá hoại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của chúng tôi".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump do Ngoại trưởng Pompeo đại diện, "đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong quan hệ Trung - Mỹ khi can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc".

Chỉ một ngày trước khi rời nhiệm sở, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố rằng Trung Quốc đã có hành động "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Cựu ngoại trưởng Mỹ trước đó thường xuyên đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.

Bắc Kinh coi những vấn đề trên là một phần của "công việc nội bộ" trong khi chính quyền Tân Cương đã đưa ra "tuyên bố cứng rắn" phản kháng lại những cáo buộc của ông Pompeo.

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dưới thời Tổng thống Donald Trump với màn mở đầu là cuộc chiến thương mại vào năm 2018. Xung đột giữa hai bên kể từ đó đã lan sang các vấn đề khác, bao gồm: công nghệ, tài chính, và nguồn gốc của Covid-19.

Chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt và thuế quan đối với Trung Quốc nhằm tìm cách giải quyết những vấn đề mà Washington cho rằng bất bình đẳng trong thương mại của Bắc Kinh, chẳng hạn như việc Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ.

Các nhà phân tích kỳ vọng Tổng thống Mỹ Biden sẽ đưa ra lập trường cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc, dù giọng điệu có thể mềm mỏng hơn. Antony Blinken, ứng cử viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, cho biết tại một cuộc điều trần trong tuần này rằng ông đồng tình với những đánh giá của cựu Ngoại trưởng Pompeo về Tân Cương.

Tin liên quan
Tin khác