. |
Nhưng không hẳn như vậy. Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng qua (26/12) cũng không tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi trên, bởi tính đến tháng 11/2019, VCCI mới nhận được 2 đề nghị góp ý của 2 bộ đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương và Bộ Y tế. Cơ quan này cũng không ghi nhận thông tin về hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ khác.
Trước đó, trong báo cáo đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất với doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến thông tin chỉ có hai bộ (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02 trong năm 2019.
Phải nhắc lại, năm 2018, làn sóng cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được thực hiện theo yêu cầu tại Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, với mục tiêu cụ thể là phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Mục tiêu này được nhắc lại tại Nghị quyết 19/2018/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tổng cộng đã có 3.451 trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa, cắt bỏ. Bên cạnh đó, 6.776 trong số 9.926 thủ tục hành chính liên quan đến dòng hàng, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành cũng được cắt bỏ.
Cho dù ngay trong các báo cáo tổng kết, vẫn có ý kiến cho rằng, cần phải xem xét thêm tính thực chất của các hành động cắt giảm này, nhưng phải thẳng thắn rằng, những rào cản trong môi trường kinh doanh năm 2018 đã được gỡ bỏ khá nhiều.
Sự quyết liệt này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2019, với Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, quy định 5 nóm giải pháp với 4 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên. Điểm khác của Nghị quyết 02 so với các nghị quyết 19 trước đó là không giao giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với từng chỉ số.
Lý giải, nhiều ý kiến nhắc tới việc Nghị quyết 02 muốn đề cao trách nhiệm của các bộ trưởng, đề cao tính chủ động, sáng tạo của bộ trưởng trong thực hiện nhiệm vụ. Họ có toàn quyền chủ động thực hiện các giải pháp cần thiết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp cần thiết để đạt mục tiêu đề ra.
Một năm trôi qua, những thông tin không nhiều trong hoạt động rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh có thể có lý do là các bộ vẫn triển khai, nhưng không công bố rộng rãi hoặc thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn, khiến các đối tượng chịu tác động không nhận biết được chính sách.
Cũng có thể các bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa điều kiện kinh doanh do mình quản lý. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, nhiều doanh nghiệp đã không có cơ hội tiếp cận và nói lên tiếng nói của mình. Thậm chí, có doanh nghiệp lo ngại không biết việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm nay có được thực hiện hay không.
Phải chăng hoạt động này phụ thuộc hoàn toàn vào… thiện chí của nhiều bộ, ngành? Thực tế, Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2019 của VCCI tiếp tục ghi nhận những điều kiện kinh doanh chung chung, định tính, không rõ ràng, thậm chí theo cách quản lý chọn cho, thay vì chọn bỏ đã được xác định trước... Điều đáng nói là có vẻ như sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này bị ngắt quãng.
Hiện tại, Dự thảo Nghị quyết 02 của năm 2020 gần như hoàn tất, đang chuẩn bị các thủ tục cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào đầu năm như thông lệ. Giới đầu tư, doanh nghiệp đang chờ đợi được tham gia một cách trách nhiệm vào làn sóng mạnh mẽ hơn trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh không ngừng nghỉ.
Sẽ không thể có một kết quả cải cách tốt nếu chỉ dựa vào thiện chí của các bên tham gia!