Tài chính - Chứng khoán
Sau phiên đấu thầu vàng: Chênh lệch giá vẫn lớn
Thùy Liên - 29/03/2013 10:38
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên chưa như kỳ vọng, khi giá thầu cao, lượng vàng trúng thầu thấp.
TIN LIÊN QUAN

Chênh lệch giá vẫn cao

Sáng 28/3, giá vàng niêm yết ở hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều giảm so với ngày trước đó. Tuy nhiên, cùng với mức tăng của giá vàng thế giới và diễn biến phiên đấu thầu vàng miếng của NHNN, giá vàng trong nước đã bật tăng mạnh.

Cụ thể, trong phiên đấu thầu đầu tiên được tổ chức sáng qua, mức giá chào thầu được NHNN đặt ra là 43,81 triệu đồng/lượng, thậm chí còn cao hơn giá vàng ngoài thị trường. Vì vậy, sau khi NHNN phát đi mức giá thầu khởi điểm này, lúc 10 giờ sáng 28/3, giá vàng trên thị trường đã bật tăng 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa, đạt 43,7 - 43,8 triệu đồng/lượng, chênh lệch 3 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.

Giá vàng biến động mạnh khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về giá sàn đấu thầu vàng miếng. Ảnh: Đức Thanh

“Với mức giá khởi điểm mà NHNN đưa ra, mục tiêu bình ổn thị trường, thu hẹp chênh lệch giá vàng rất khó thực hiện”, đại diện một doanh nghiệp vàng lo ngại và cho biết, doanh nghiệp này chỉ tham gia đấu thầu một lượng rất nhỏ trong phiên đấu thầu đầu tiên, do mức giá quá cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp .

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, lượng vàng mà NHNN tung ra đấu thầu lần này là 26.000 lượng (khoảng 1 tấn vàng) là quá thấp so với nhu cầu thị trường. Số vàng này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tất toán vàng của các ngân hàng, chưa nói đến đáp ứng nhu cầu thương mại. Chưa kể, với mức giá đấu thầu quá cao, nhiều doanh nghiệp không muốn tham gia đấu thầu, nên tác động của phiên đấu thầu vàng miếng lên thị trường là không đáng kể.

Theo đại diện NHNN, đấu thầu vàng miếng lần đầu tiên này có tính chất thăm dò, đánh giá thị trường. “Bình ổn thị trường vàng là vấn đề phức tạp, không thể giải quyết trong một vài phiên đấu thầu. Khó nhất là giá vàng trong nước và thế giới biến động khó lường, NHNN tham gia mua bán vàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, nên phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn tuyệt đối dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tuy nhiên, NHNN sẽ thực hiện mọi biện pháp, sẽ tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng miếng để tiếp tục thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới”, đại diện NHNN khẳng định.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là lần đầu tiên NHNN tham gia đấu thầu vàng miếng, đây cũng là hình thức hầu như không có tiền lệ trên thế giới. Do đó, việc NHNN đưa ra mức giá thận trọng là điều dễ hiểu, bởi giá vàng thế giới đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Nếu NHNN bán vàng giá thấp, trong khi thời gian tới, giá vàng thế giới tăng mạnh, thì quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị thâm hụt lớn.

Thị trường không có đầu cơ?

Một điều dễ nhận thấy là, thời gian gần đây, NHNN không đưa ra mục tiêu sẽ kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức bao nhiêu. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định: “Mức mục tiêu về chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước sẽ không được công bố. Giá vàng trong nước và thế giới sẽ luôn chênh lệch, vì còn tính cả nhiều loại thuế, phí, nên không bao giờ có chuyện liên thông giá vàng. Tuy nhiên, NHNN sẽ thu hẹp dần chênh lệch giá vàng”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc có hay không tình trạng bắt tay làm giá hay đầu cơ vàng trên thị trường, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng, không có tình trạng này.

“Cá nhân tôi cho rằng, giá vàng chủ yếu do thị trường quyết định. Việc doanh nghiệp trúng thầu tham gia bắt tay làm giá là không có. Bởi thị trường vàng hiện tương đối cạnh tranh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, với sự biến động hiện nay, khó có chuyện làm giá vàng. Chưa kể, với tư cách là người mua bán cuối cùng, NHNN là ‘người chơi’ lớn nhất trên thị trường, chỉ cần NHNN tung vàng ra bán, những người đầu cơ sẽ phải trả giá đắt, nên không ai dám làm giá”, ông Huy nhận định.

Tương tự, cũng theo nhận định của NHNN, lực lượng đầu cơ vàng trên thị trường hiện nay rất hiếm (nếu không muốn nói là không có), bởi cả hai yếu tố cần và đủ để đầu cơ là tài chính và công cụ đầu cơ hiện đều không có. Chưa kể, doanh nghiệp “ôm” vàng phải chôn một lượng vốn rất lớn. Nếu giá vàng giảm, thì chỉ qua một đêm, doanh nghiệp có thể lỗ hàng tỷ đồng.

Giá vàng biến động khó lường có lẽ cũng chính là lý do khiến doanh nghiệp luôn neo giá vàng trong nước ở mức cao hơn so với giá vàng thế giới, nhằm đề phòng rủi ro, dù lực cầu thị trường không lớn.

Tin liên quan
Tin khác