Một góc Nhà máy nước Tân Hiệp thuộc Sawaco . |
Quyền quyết định giá đầu vào bị vô hiệu hóa
Báo cáo Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM, Sawaco đã nêu ra những bất cập và thực trạng đáng lo ngại của ngành nước, có thể ảnh hưởng tới an sinh xã hội và đời sống của hàng triệu người dân Thành phố.
Cụ thể, hiện nay, Sawaco vẫn nắm giữ trên 51% vốn điều lệ tại 8 công ty con chuyên cung cấp nước như Công ty CP Cấp nước Bến Thành, Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn, Công ty CP Cấp nước Gia Định… Tại những công ty này, các cổ đông nước ngoài chiếm dưới 50% vốn.
Theo Sawaco, về mặt chính sách, nước là sản phẩm đặc biệt liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Các công ty cổ phần cấp nước kinh doanh sản phẩm này là chủ yếu, nhưng giá bán nước lại do UBND TP.HCM quyết định. Nghĩa là, với sản phẩm nước, Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, chứ doanh nghiệp không được quyền quyết định theo nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động đang phát sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại. Công ty mẹ Sawaco và công ty con là pháp nhân độc lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tổng công ty dù nắm vốn quyết định, nhưng lại không phải là cấp trên của các công ty cổ phần, mà chỉ là cổ đông góp vốn.
Bởi thế, tới thời điểm này, đã xuất hiện xung đột lợi ích giữa công ty mẹ và công ty con. Cụ thể, các công ty con (công ty cổ phần) đã áp dụng Điều 162, Luật Doanh nghiệp, không cho thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và cổ đông có lợi ích liên quan biểu quyết về hợp đồng và giao dịch có liên quan đến lợi ích đó. Theo đó, người đại diện vốn góp của Sawaco trong HĐQT của các công ty cổ phần đã không được biểu quyết trong các loại hợp đồng có liên quan sản phẩm nước sạch, mà nhà đầu tư bên ngoài mới là người quyết định “số phận” các hợp đồng này.
Cũng chính từ đây, các công ty con tăng giá bán nước, nhưng lại không đồng ý tăng giá mua đầu vào từ công ty mẹ do sức ép từ cổ đông bên ngoài.
Oái oăm ở chỗ, không được chấp nhận giá đầu vào, song Sawaco không thể tự ngưng việc cung cấp nước cho các công ty cổ phần để bán cho dân, bởi nếu dừng cung cấp nước, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và mục tiêu an sinh xã hội.
Tình cảnh tréo ngoe trên dẫn tới việc suốt nhiều năm qua, Sawaco vẫn phải cung cấp nước cho hàng loạt công ty con, dù một số công ty chưa chịu ký hợp đồng mua sỉ nước như: Công ty CP Cấp nước Thủ Đức (chưa ký các năm 2017, 2018, 2019), Công ty CP Cấp nước Gia Định (chưa ký năm 2019, 2019), Công ty CP Cấp nước Nhà Bè (chưa ký năm 2019).
Cũng áp dụng Luật Doanh nghiệp về quyền tự chủ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tự chủ tài chính và quyền quyết định vay vốn đầu tư, mua bán tài sản, các công ty cổ phần còn đầu tư mới hệ thống phân phối nước mạng cấp 3, gắn đồng hồ nước mới… khiến phần tài sản hệ thống phân phối mạng cấp 3 của Sawaco tại 6 công ty con cũng không còn, đẩy Tổng công ty lùi sâu hơn vào thế bất lực trong chi phối.
Lo ngại cổ đông ngoại gây bất ổn ngành nước
Trong báo cáo gửi lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, Sawaco tỏ ra rất lo lắng. Theo Tổng công ty, luật pháp hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc nắm giữ cổ phiếu có yếu tố nước ngoài, nên trên thực tế, đã có những nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp mua cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước hoặc đứng sau tổ chức, cá nhân khác. Chưa kể, nhiều nhà đầu tư nội còn thành lập pháp nhân mới tham gia mua cổ phần, rồi chuyển nhượng toàn bộ cho doanh nghiệp nước ngoài.
Chính vì vậy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài trong ngành nước tại TP.HCM ngày càng tăng. Khi chiếm tỷ lệ cổ phần đủ lớn, nhà đầu tư ngoại sẽ nhanh chóng thực hiện quyền quyết định phương hướng phát triển tại doanh nghiệp.
“Việc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu trong doanh nghiệp cấp nước dẫn đến rất khó đàm phán về phương hướng phát triển, kế hoạch cấp nước, giá bán sỉ… do mục đích nhà đầu tư nước ngoài hướng tới lợi nhuận, không tương đồng với mục tiêu an sinh xã hội của ngành nước… Sự xuất hiện của cổ đông nước ngoài về lâu dài là đáng lo ngại cho an toàn cấp nước, cần có những quy định, chính sách hạn chế…”, Sawaco kiến nghị trong báo cáo.
Bài toán lợi nhuận
Không chỉ bất lực với nhà đầu tư ngoại, Sawaco còn lo lắng về việc “cụt” nguồn vốn.
Cụ thể, Sawaco đã dồn hết nội lực và phải vay thêm vốn từ nhiều ngân hàng thương mại để phát triển mạng lưới phân phối nước, gắn đồng hồ cho từng hộ dân theo Nghị quyết số 28/2014 và 35/2015 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Nhưng khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, Tổng công ty lại không được bồi thường tuyến ống cấp nước bị ảnh hưởng, dẫn tới không chỉ khó về vốn, mà không còn khả năng chịu thêm chi phí di dời tuyến ống bị ảnh hưởng.
Đáng nói, hoạt động cấp nước của Thành phố được xác định là loại hình sản xuất, kinh doanh, Sawaco và công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên ngân sách cho ngành nước sẽ hạn chế.
Sản xuất, kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhưng hệ thống phân phối nước cấp 3 không còn trong tay Sawaco. Các dự án cấp nước an toàn, dự án phát triển hệ thống mạng cấp 1, 2 truyền dẫn nước (hoạt động chủ lực của Sawaco), thì không còn khả năng sinh lời, nếu đưa vào giá nước thì sẽ đẩy mức giá lên quá cao, không đưa vào giá thì không có nguồn tiền thực hiện dự án.
Mặt khác, công suất thiết kế nhà máy nước thuộc Sawaco đã đạt 2.400.000 m3/ngày, nhưng chỉ tiêu thụ 2.000.000 m3 nước/ngày, khiến Sawaco buộc phải giảm công suất nhà máy.
Một thời “lẫy lừng”, song hiện tại, Sawaco đang lâm vào thế muôn vàn khó khăn.
Xin cấp ngân sách và cơ chế đặc thù
Nhìn thẳng thực trạng, nhưng cũng giống như những công ty có “yếu tố” Nhà nước khác, giải pháp mà Sawaco kiến nghị không mới.
Cụ thể, Sawaco xin cấp vốn ngân sách để phát triển mạng cấp nước cấp 1, bù lãi kích cầu mạng cấp 2, cấp 3 (trên địa bàn huyện Cần Giờ); xin quy chế ưu tiên sửa chữa khẩn cấp các tuyến ống cấp 1, 2; bổ sung quy hoạch phát triển mạng cấp 1, 2; xây dựng bể chứa nước sạch trữ lượng lớn 500.000 - 700.000 m3 chuẩn bị cho kịch bản về an toàn cung cấp nước sạch…
Sawaco cũng xin cơ chế đặc thù để có thể quyết định giá bán sỉ nước sạch giữa Tổng công ty và các công ty cổ phần, tránh xung đột lợi ích; xin thỏa thuận giá nước sạch theo cơ chế linh hoạt nhằm khuyến khích sử dụng nước sạch, góp phần hạn chế khai thác nước ngầm; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc bảo vệ nguồn nước và quản lý nguồn nước thải làm ảnh hưởng đến nguồn nước trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.
Năm 2019, từ đề xuất của Sawaco, UBND TP.HCM đã ban hành giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố lộ trình 2019 - 2022 có hiệu lực từ 15/11/2019. Ngoài ra, UBND TP.HCM còn cho phép Sawaco được quyền định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt quy định.
Cụ thể, 94% lượng nước thô của Thành phố hiện lấy từ nước mặt lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Dù đã có nhiều giải pháp quản lý, nhưng chất lượng nước thô tại các khu vực này đang biến động theo chiều hướng xấu hơn. Đặc biệt, hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn ở các sông đã tác động trực tiếp đến các nhà máy nước.
Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn để có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn nước thô nơi đây.