Giậm chân tại chỗ
Sốt ruột là điều có thể thấy rõ trong văn bản vừa được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) liên quan đến việc bán cổ phần của đơn vị này tại Sông Cấm cho Damen.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC, tại cuộc làm việc giữa Tổng công ty với CEO của Damen Holding Việt Nam hồi giữa tháng 10/2016, đối tác Hà Lan tiếp tục thúc tiến độ thương vụ M&A Sông Cấm.
Damen Sông Cấm đang tạo nguồn thu lớn cho Công ty Đóng tàu Sông Cấm. |
Trong khi đó, đối với SBIC, việc hợp tác với Damen được đánh giá là “cực kỳ quan trọng” trong kế hoạch tái cơ cấu vốn đang ngập trong khó khăn.
Sự sốt ruột của cả bên muốn bán và bên muốn mua là có cơ sở, bởi đề xuất mua cổ phần tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm được Damen khởi động từ năm 2014.
Trước đó, vào tháng 1/2016, trên cơ sở đề xuất của SBIC, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đề xuất của Damen về việc mua cổ phần của SBIC tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Cần phải nói thêm rằng, vào tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ GTVT chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư để bán trọn lô đến 70% vốn của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm theo phương thức bán thỏa thuận trực tiếp, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Giá bán thực hiện theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, Damen nhận thấy, công văn của Thủ tướng Chính phủ không nói rõ việc SBIC có thể bán 70% cổ phần của Sông Cấm cho một nhà đầu tư nước ngoài và cũng không xác nhận việc sở hữu của công ty nước ngoài tại Sông Cấm không bị giới hạn ở mức tối đa 49% theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 sửa đổi một số điều khoản của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo SBIC, đây là hai vướng mắc chính, khiến thương vụ M&A đã không thể tiến triển trong 2 năm qua, dù cả SBIC và Damen đều có thiện chí hợp tác.
“SBIC muốn Chính phủ có văn bản khẳng định việc Chính phủ cho phép bán 70% cổ phần của SBIC tại Sông Cấm cho nhà đầu tư là bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài và giao dịch nói trên, không bị hạn chế bởi mức trần quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Được biết, Công ty Đóng tàu Sông Cấm hiện là doanh nghiệp làm ăn khấm khá nhất trong số 8 công ty con mà SBIC giữ lại. Sông Cấm không thua lỗ trong suốt 5 năm qua và là đơn vị đưa về nhiều ngoại tệ nhất cho SBIC nhờ các hợp đồng xuất khẩu tàu có giá trị lớn, trong đó nổi bật nhất là sản phẩm từ nhà máy liên doanh với Tập đoàn Hà Lan mang tên Damen Sông Cấm.
Lộ phương án bán mới
Sông Cấm hiện có tài sản nằm tại 4 đơn vị sản xuất - kinh doanh, gồm: Sông Cấm 1, Sông Cấm 2, 30% cổ phần Sông Cấm sở hữu trong liên doanh đóng tàu Damen - Sông Cấm và Chi nhánh Nhà máy Đóng tàu Bến Kiền. Tuy nhiên, vì một số lý do, Damen không muốn mua cổ phần của Sông Cấm bao gồm cả tài sản của Sông Cấm 1 và 30% cổ phần của Sông Cấm trong liên doanh Damen - Sông Cấm.
Thứ nhất, đối với Sông Cấm 1, phần đất của xưởng đóng tàu Sông Cấm 1 bên trong Thành phố sẽ sớm được trả lại cho UBND TP. Hải Phòng (đến năm 2020), do không có triển vọng cho việc đầu tư phát triển trong tương lai.
Thứ hai, với 30% cổ phần của Sông Cấm trong Công ty liên doanh Đóng tàu Damen - Sông Cấm, nếu Damen mua 70% cổ phần của Sông Cấm, thì Damen sẽ kiểm soát tới 91% cổ phần trong liên doanh này. Điều này không phù hợp với chính sách và chiến lược đầu tư của Damen tại Việt Nam.
“Do vậy, Damen muốn chuyển chủ sở hữu hai tài sản là Sông Cấm 1 và 30% cổ phần trong liên doanh về SBIC trước khi Damen mua 70% cổ phần của Sông Cấm. Một phương án thay thế khác là tách Sông Cấm 2 và Chi nhánh Bến Kiền thành một đơn vị mới và Damen mua 70% cổ phần của đơn vị mới này”, ông Sự cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu của đối tác, SBIC đề xuất Chính phủ cho phép tách các tài sản là Sông Cấm 1 và 30% cổ phần trong liên doanh Damen - Sông Cấm ra khỏi Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm trước khi thực hiện giao dịch bán cổ phần cho Damen (trên thực tế, giao dịch sẽ được thực hiện đồng thời để đảm bảo việc Damen sẽ mua cổ phần sau khi tách tài sản).
“Việc tách tài sản này vừa đáp ứng yêu cầu của Damen, vừa giúp SBIC giữ được 30% cổ phần trong liên doanh và có lợi về mặt kinh tế hơn so với phương án bán khi chưa tách tài sản”, lãnh đạo SBIC cho biết.
Được biết, vào tháng 12/2014, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhượng lại 70% vốn nhà nước tại Sông Cấm cho Damen.
Quan điểm của một số bộ, ngành vào thời điểm đó là muốn SBIC đàm phán lại với đối tác Hà Lan với cam kết sẽ nhượng lại phần lớn cổ phần tại Sông Cấm qua 2 giai đoạn, trong đó, trước mắt chỉ bán 49% và sẽ xem xét bán tiếp 21% khi có đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo SBIC, trong các buổi làm việc với phía Việt Nam, Damen thông báo “không có chủ trương mua cổ phần Đóng tàu Sông Cấm theo nhiều giai đoạn”, mà vẫn mong muốn được Chính phủ cho phép mua một lần với tỷ lệ 70%.
Damen coi đây là tiền đề để hoạch định chiến lược phát triển thị trường của tập đoàn đóng tàu nổi tiếng thế giới này tại Việt Nam.
Theo ông Sự, Damen đang có quan hệ rất tốt và là đối tác quan trọng nhất của SBIC. Ngoài việc đang cung cấp toàn bộ đơn hàng cho Cụm nhà máy Sông Cấm - Bến Kiền, Damen sẽ xây dựng một bản kế hoạch tổng thể hỗ trợ và hợp tác phát triển ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam và sẽ sớm chuyển giao cho SBIC bản kế hoạch này.