Ngân hàng
SCB trình ĐHCĐ thông qua việc ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài
Thùy Vinh - 16/04/2019 15:12
Sáng ngày 16/4, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 để thông qua các chỉ tiêu kinh doanh và trình ĐHCĐ thông qua các kế hoạch trong năm. Trong đó, có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng và chiến lược tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.

Tại ĐHCĐ, SCB đã trình cổ đông tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ từ 15.232 tỷ đồng lên 20.232 tỷ đồng thông qua phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, Ngân hàng SCB dự kiến chào bán 500 triệu cổ phần với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sở hữu tư 0,5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. 

Tổng lượng nhà đầu tư trong đợt chào bán tối đa 99 nhà đầu tư. Số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Thời gian dự kiến phát hành trong quý 2/2019 hoặc quý 3/2019 sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Số vốn sau khi tăng thêm sẽ được tập trung đầu tư tài sản cố định (200 tỷ), hiện đại hóa công nghệ thông tin 300 tỷ đồng, đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh là 200 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn kinh doanh 4.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị (HĐQT) SCB cũng trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để thu hút thêm vốn ngoại, nâng cao năng lực tài chính.

Theo SCB, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có uy tín, có năng lực tài chính và khả năng hỗ trợ SCB trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và áp dụng công nghệ hiện đại, có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của SCB, đáp ứng được các tiêu chí cụ thể do SCB quy định, các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019, SCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 273 tỷ đồng, tăng 19,48% so với năm 2018. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến có lợi nhuận đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Tỷ lệ ROA (lợi nhuận sau thuế/ tổng Tài sản bình quân) và ROE (lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu bình quân) mục tiêu đạt 0,04% và 1,11%.

Tổng tài sản dự kiến đạt 558.015 tỷ đồng, tăng 9,64% so với năm 2018. Cho vay khách hàng đạt 341.138 tỷ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 tăng 13,15% đạt 473.338 tỷ đồng.

Tại Đại hội lần này, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ông Chiêm Minh Dũng và ông Tạ Chiêu Trung (thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022), miễn nhiệm bà Phạm Thu Phong, bà Võ Thị Mười (thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022).

Do đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, SCB bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, 2 thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022.

Năm 2018, SCB ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở hầu hết các mảng kinh doanh chủ chốt, trong đó mạnh nhất là dịch vụ khi lãi thuần tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của SCB, thu nhập lãi thuần của ngân hàng cả năm qua đạt 2.829 tỷ đồng, tăng 56,4% so với 2017. 

Các khoản thu nhập từ hoạt động phi tín dụng tăng ấn tượng, nhất là lãi từ dịch vụ tăng gần 92% đạt 886 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, các mảng thu phí chính góp phần đẩy lĩnh vực dịch vụ đi lên là bảo hiểm, thẻ, ngân hàng điện tử và thanh toán quốc tế.

Hoạt động khác trong khi đó ghi nhận khoản lãi tăng gần 80% đạt 1.868 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng trước dự phòng rủi ro đạt 2.357 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần con số đạt được trong năm 2017.

Tuy nhiên, theo giải thích của ngân hàng, năm 2018 SCB đã cân đối nguồn lực để trích lập 2.162 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 196 tỷ đồng, dẫu thấp song vẫn ghi nhận mức tăng 45% so với năm 2017.

Hiện SCB là ngân hàng nằm trong top 5 về quy mô tổng tài sản và dẫn đầu nhóm cổ phần với hơn 508 nghìn tỷ đồng trên thị trường. Năm 2018 ngân hàng cũng đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 15.200 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2018, dư nợ tín dụng của nhà băng này đạt 301.892 tỷ đồng, tăng thêm gần 35.400 tỷ đồng tương đương 13,3% so với cuối năm 2017. Bên cạnh việc đẩy mạnh tín dụng, ngân hàng cũng kiểm soát chất lượng các khoản nợ, hiện nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,61% và nợ xấu là 0,42%.

Hoạt động huy động vốn tăng mạnh hơn với 18,4% trong năm vừa qua, đạt hơn 419 nghìn tỷ đồng. So với năm 2017, số huy động vốn tăng thêm là hơn 65.200 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến tại ĐHCĐ SCB: Cổ đông của SCB nêu ý kiến về việc tăng trích dự phòng của SCB sẽ đảm bảo được rủi ro trong hoạt động. Vậy khi nào SCB sẽ hết trích lập dự phòng rủi ro?

Tại sao chỉ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho những cổ đông đang nắm giữ 0,5% cổ phần của SCB. Như vậy sẽ hạn chế quyền mua của cổ đông nhỏ lẻ?

SCB huy động lãi suất cao sẽ tác động đến lợi nhuận thu về của Ngân hàng, do thu hẹp NIM (biên lãi ròng)? 

Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB cho rằng, sở dĩ SCB huy động lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường là để thu hút được lượng khách hàng tiềm năng và lớn. Đây được xem là nguồn tài nguyên lớn của SCB. Quan trọng là Ngân hàng sẽ khai thác nguồn tài nguyên này.

Trong chiến lược đến năm 2020, số lượng khách hàng cao cấp sẽ đóng góp đến 60% tổng thu nhập của SCB. Vì thế, việc trả lãi suất huy động cao hiện nay cũng có mục đích lớn của Ngân hàng. Đi kèm với lãi suất, SCB cũng nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng.

Trả lời cổ đông về thời gian dừng trích lập dự phòng rủi ro và chia cổ tức, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, Ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vì vậy mọi nguồn lực tập trung cho việc xử lý nợ xấu.

Do Ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận làm ra chủ yếu dành để trích lập. Đây được xem là "lương khô" của SCB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, nguồn tài chính tích tụ nói trên sẽ là "của để dành" rất lớn cho cổ đông SCB. 

Mặt khác, theo quy định hiện nay của NHNN, các ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu không được chia cổ tức."Hiện nguồn lợi nhuận để lại của SCB vào khoảng 670 tỷ đồng và khi được NHNN chấp thuận, nguồn lợi nhuận này sẽ được chia cho cổ đông. Cùng với khoản dự phòng lớn trên 8.200 tỷ đồng sẽ là giá trị lớn cho cổ đông của Ngân hàng.

Về thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2018 của SCB là 13 tỷ đồng và năm 2019, theo tờ trình ở mức tương đương, lãnh đạo SCB cho biết, nếu so với công sức mà các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát bỏ ra cũng như việc họ phải đương đầu với những rủi ro trong công việc thì không thể sánh bằng. 

Ông Võ Văn Thuần – Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN tại TPHCM chia sẻ tại Đại hội SCB, về góc độ quản lý của NHNN, Cục thanh tra giám sát đánh giá tình hình hoạt động của SCB có phát triển. Tổng tài sản đến cuối 2018 là 518,000 tỷ đồng, so với 12 ngân hàng TMCP trên địa bàn thì SCB đứng đầu, huy động và cho vay cũng đứng thứ 1 và 2 trên địa bàn TPHCM.

Tuy nhiên kết quả kinh doanh còn khiêm tốn, lợi nhuận chỉ 229 tỷ đồng, đứng thứ 9/12, ở đây không so sánh với các ngân hàng có vốn Nhà nước.

Theo ông Thuần, khi SCB được NHNN đồng ý sáp nhập, thời gian qua SCB cũng đã từng bước củng cố, xử lý những tồn đọng còn lại sau sáp nhập. SCB có tiềm lực về đầu tư, thời gian qua đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản với dự án lớn, đòi hỏi thanh khoản cao, nhà đầu tư có tiềm lực, lợi nhuận sinh lời nhiều hơn, do đó không thể đòi hỏi sinh lời trước mắt.

Từ 2019 – 2025, SCB cũng được NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hoạt động ngân hàng.
Những năm tiếp theo, NHNN đề ra kế hoạch phải có ít nhất 5 ngân hàng đứng đầu châu Á. Đây là một trong những điểm mà NHNN và Chính phủ rất quan tâm.

Tuy nhiên, NHNN cũng lưu ý, HĐQT SCB cần hạn chế, tập trung quá nhiều vào đầu tư bất động sản. Cần thẩm định, đánh giá đối tượng đầu tư bất động sản có tính khả thi, hiệu quả. Cần cân đối lại nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đầu tư trung dài hạn, ngắn hạn, cần có lộ trình rõ ràng để hoạt động có lãi.

Thứ hai là hạn chế đầu tư nhiều lĩnh vực rủi ro như mua trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản... kể cả thị trường chứng khoán.

Thứ ba là cần nghiêm túc thực hiện phương án tái cơ cấu của Ngân hàng đã được phê duyệt. SCB cần nghiêm túc thực hiện những cảnh báo của cơ quan Nhà nước, xem xét và xử lý nợ xấu quyết liệt, thực hiện Nghị quyết 1058 của Chính phủ và Thông tư 42, hạn chế mức thấp nhất để nợ xấu không phát sinh.

Đứng về góc độ quản lý Nhà nước, tạm thời NHNN chưa cho chia cổ tức do còn nợ VAMC và xử lý nợ xấu, khi nào xử lý hết được các khoản nợ xấu này, các ngân hàng mới chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính. Thời gian qua, địa bàn TPHCM cũng không có nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt.

Tin liên quan
Tin khác