Nhiều quỹ tín dụng đang bị buông lỏng quản lý
Vụ việc diễn ra tại QTD Thái Bình đang được điều tra. Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi đã cam kết sẽ chi trả từng bước đối với khoản bảo hiểm tiền gửi của khách hàng tại đây. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa chỉ là 75 triệu đồng, trong khi có khách hàng gửi vào Quỹ gần 8 tỷ đồng. Do đó, nếu vụ việc không được xử lý khéo léo, niềm tin của người dân vào hệ thống QTD sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
. |
Theo luật sư Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), với trường hợp trên, trước mắt, Bảo hiểm tiền gửi cần chi trả ngay cho người gửi tiền. Trong trường hợp QTD này phá sản, phần tài sản của Quỹ sau khi thu hồi và chi trả đầy đủ nghĩa vụ thuế, cũng phải chia cho người gửi tiền để đền bù thiệt hại.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Tín, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát với hệ thống QTD.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Quỹ tín dụng cho thấy, hiện cả nước có hơn 1.100 quỹ tín dụng, với hơn 1,8 triệu thành viên, tổng nguồn vốn hơn 88.000 tỷ đồng. Nếu những trường hợp tương tự như trên tái diễn, số người dân bị ảnh hưởng là rất lớn.
Theo đánh giá của chính những người đang công tác tại các QTD, trong số hơn 1.100 QTD nói trên, rất nhiều quỹ vận hành kiểu “gia đình”, khâu kiểm soát, giám sát nội bộ lỏng lẻo. Để cạnh tranh huy động vốn, rất nhiều chi trả lãi suất rất cao hơn 4 - 5%/năm so với ngân hàng để hút tiền gửi trong dân, sau đó cho vay các lĩnh vực nóng như bất động sản, tiềm ẩn rủi ro rất cao.
Về danh nghĩa, QTD có rất đông thành viên, song thực chất, 90% thành viên chỉ góp vốn tượng trưng. Quỹ hoạt động chủ yếu bởi một nhóm nhỏ người góp vốn, dẫn tới hoạt động tuỳ tiện.
Hiện tại, Ngân hàng Hợp tác xã (Co-op Bank) được giao làm “bà đỡ” cho các QTD, hỗ trợ thanh khoản và điều hòa vốn cho hệ thống QTD, song nguồn vốn của Co-opbank không lớn, huy động vốn của dân cư và tổ chức kinh tế liên tục giảm, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng tăng chậm. Chính vì vậy, vai trò hỗ trợ của Co-op Bank khá mờ nhạt.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mô hình QTD phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn, song hoạt động của quỹ cần phải được giám sát chặt thì mới tránh được tình trạng bị lợi dụng.
Sẽ cho phá sản các QTD quá yếu kém
Ông Trương Anh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát hệ thống ngân hàng (Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN) thừa nhận, công tác quản trị, điều hành, kiểm soát của các QTD còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, thời gian tới, các QTD phải tăng cường vai trò của ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Đồng thời, phải điều chỉnh hoạt động theo nguyên tắc của mô hình hợp tác xã (cho vay thành viên).
Được biết, NHNN cũng đang đặt hệ thống QTD trong “tầm ngắm” tái cơ cấu. Nội dung này đã được cụ thể hóa trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ thông qua.
Theo đề án này, NHNN sẽ rà soát, phân loại và nhận diện các QTD quá yếu kém để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể, các QTD quá yếu kém, không có khả năng phục hồi trở lại và việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống thì sẽ bị thu hồi giấy phép, thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, NHNN cũng có kế hoạch xây dựng và triển khai Đề án Phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ tiếp tục mở rộng QTD tại các địa bàn nông thôn.
Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, mô hình QTD rất hữu ích, không nên vì sự cố của một vài QTD mà phủ nhận vai trò của cả mô hình. “Mô hình này vẫn rất cần thiết, song phải nâng tầm vai trò quản lý của ban điều hành, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát”, ông Tín nói.