Đầu tư
Sẽ có dòng FDI lớn hơn vào Việt Nam trong thời gian tới
Thanh Tùng - 19/08/2016 08:52
Ông Jean-Philippe Pourcelot, nhà kinh tế tại Tập đoàn FocusEconomics (trụ sở tại Tây Ban Nha, chuyên cung cấp các dữ liệu của các nền kinh tế trên thế giới cho các nhà đầu tư) cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
TIN LIÊN QUAN

FocusEconomics vừa dự báo, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,2% trong năm nay? Ông có cho rằng con số này là thấp?

Chúng tôi đưa ra dự báo này dựa trên phân tích của 13 nhóm nghiên cứu kinh tế. Thực ra, con số này thấp hơn dự báo 6,5% vào tháng 5 của chúng tôi. Lý do chúng tôi quyết định con số 6,2% là tăng trưởng của Việt Nam trong quý I (5,48%) và quý II (5,55%) khá thấp, do ảnh hưởng của nông nghiệp tăng trưởng thấp.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm này không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam đang yếu đi, mà là do bối cảnh tạm thời là như thế. Nền kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cao hơn. Tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu, tiêu dùng tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ bù lại mức tăng trưởng thấp của sản xuất nông nghiệp, giúp nền kinh tế tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới. Chúng tôi cũng dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2017.

.

Ông có thể nói rõ hơn các động lực tăng trưởng và rủi ro của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Các nền tảng kinh tế của Việt Nam đang rất vững chắc, như tăng trưởng xuất khẩu và FDI được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại cùng những bất ổn ở châu Âu sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bởi đây là hai thị trường chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, phần lớn FDI vào Việt Nam đổ vào các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh. Theo ông, điều gì từ cuộc cải cách này sẽ quan trọng nhất với doanh nghiệp hiện nay?

Cải cách trong 3 lĩnh vực quan trọng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đó là cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, củng cố tài khóa và cải cách hệ thống ngân hàng. Cải cách càng nhanh, càng tốt thì sẽ thúc đẩy và quyết định tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, khu vực này đang đóng góp 30% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, không ít báo cáo chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả và ngăn cản đầu tư tư nhân. Cải cách doanh nghiệp nhà nước cần được tập trung vào cải thiện minh bạch, củng cố năng lực giám sát và bỏ ưu đãi về tín dụng và các nguồn lực khác đối với doanh nghiệp nhà nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là biện pháp quan trọng để nâng cao năng suất và thu hút FDI. Hai yếu tố này sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc quyết định Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao hay không, như đã từng đạt được trong một vài năm trước. 

Đối với cải cách hệ thống ngân hàng, các nhà phân tích cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đang thiếu tính thanh khoản và có nhiều nợ xấu. Điều này sẽ làm các ngân hàng khó chịu đựng được các cú sốc. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế mà không có các quy định nghiêm ngặt đã làm tăng các rủi ro trong thị trường bất động sản. Cải thiện minh bạch, thực hiện các yêu cầu công bố thông tin và nới lỏng trần sở hữu sẽ giúp ngành ngân hàng chịu đựng tốt hơn trước các cú sốc kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.

Ông vừa nói đến FDI, vậy ông có cho rằng, dòng FDI lớn hơn nào sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới?

Sẽ có các dòng FDI lớn hơn vào Việt Nam thời gian tới, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trên thực tế, năm 2016, Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới thông qua nhiều hành động, như việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cải thiện minh bạch thông tin trong tiếp cận tín dụng.

Các dữ liệu đã chỉ ra rằng, dòng FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, dòng FDI có thể sẽ giảm đi nếu như kinh tế toàn cầu, gồm cả Trung Quốc, giảm tốc.

Tin liên quan
Tin khác