Ảnh minh họa của Mỹ An. |
Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi theo hướng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư đang quy định trong dự thảo là tỷ lệ vốn tối thiểu cần có đối với từng dự án bất động sản.
Chiều 23/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Dự thảo).
Trước đó, ngày 19/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo với khá nhiều băn khoăn xung quanh các quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản tại Điều 10.
Điểm a khoản 1 Điều 10 quy định tổ chức kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã; có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Có ý kiến cho rằng, quy định trên là chưa phù hợp với tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp được thành lập và không có xác định cụ thể ngành nghề kinh doanh, có khả năng phát sinh thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính, tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, cơ chế kiểm soát cũng không bảo đảm tính khả thi.
Tiếp thu ý kiến này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khoản 1 Điều 10 bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư về xác định ngành nghề kinh doanh, Bộ Xây dựng cho biết tại báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.
Cùng tại Điều 10, điểm c khoản 1 quy định, trường hợp làm chủ đầu tư dự án bất động sản thì phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên và phải bảo đảm khả năng huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư.
Một số vị đại biểu đề nghị quy định rõ tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư dự án tại điểm này là tỷ lệ tối thiểu đối với từng dự án và nghị bổ sung quy định về trường hợp chủ đầu tư đồng thời thực hiện nhiều dự án thì vốn chủ sở hữu phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu trên tổng vốn đầu tư của toàn bộ các dự án do chủ đầu tư đang thực hiện.
Tiếp thu ý kiến này, cơ quan chủ trì soạn thảo cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung, hoàn thiện theo hướng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư đang quy định trong dự thảo là tỷ lệ vốn tối thiểu cần có đối với từng dự án bất động sản. Trường hợp chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án bất động sản cùng lúc thì phải đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho toàn bộ các dự án đang triển khai đó.
Về điều kiện với cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản, khoản 2 Điều 10 quy định phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự khi xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự; Có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp tương ứng với hình thức kinh doanh và loại bất động sản đưa vào kinh doanh.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 quy định kinh doanh bất động sản là việc bỏ vốn để tạo lập bất động sản để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Có ý kiến đại biểu đề nghị rà soát quy định tại khoản 2 Điều 10 xem có phạm vi hẹp hơn so với khái niệm kinh doanh bất động sản tại khoản 1 điều 3; đề nghị bỏ khoản này do nhầm lẫn sang giao dịch dân sự.
Tại báo cáo, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ khoản 2 Điều 10 vì cần bảo đảm phạm vi điều chỉnh bao quát được đầy đủ các đối tượng kinh doanh bất động sản, trong đó có đối tượng là cá nhân kinh doanh bất động sản và tránh để phát sinh khoảng trống pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.