Ngân hàng - Bảo hiểm
Sở hữu chéo tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng: Chấm dứt, chứ không phải hạn chế
Nguyễn Lê - 07/06/2023 09:04
“Nghị quyết Trung ương nói là chấm dứt sở hữu chéo, mạnh như thế, chứ không phải nói hạn chế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng.
Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Ảnh: Đức Thanh

Xem xét mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài

Được gửi đến các vị đại biểu rất muộn, khi Quốc hội đã khai mạc Kỳ họp thứ năm (theo quy định phải gửi trước khai mạc 20 ngày), song Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi còn rất nhiều vấn đề khiến đại biểu lo ngại.

Một trong các vấn đề được quan tâm thảo luận tại tổ chiều 5/6 vừa qua là chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, như mục đích của lần sửa đổi này.

“Nghị quyết Trung ương nói là chấm dứt sở hữu chéo, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ông Huệ bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) phát biểu trước là, quan trọng không phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân từ 5% xuống 3%.

“Trong một số luật của các nước là, sở hữu trong các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là phải có nghĩa vụ công khai, để người ta biết được nhóm người có liên quan và người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng đó là ai”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Ông Huệ lưu ý, tuy chưa có luật về tập đoàn tài chính, nhưng trên thực tế, Việt Nam bắt đầu đã hình thành những mô hình tổ chức như tập đoàn tài chính hoặc là công ty mẹ - con, nhưng công ty mẹ là là một tổ chức tín dụng. Hoặc là một tập đoàn, mà trong đó có một ngân hàng thương mại là một thành viên trong hệ sinh thái của các tập đoàn đó. Vậy, quan hệ với nhau như thế nào, rồi báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin công khai phải rõ.

Nhấn mạnh đây là luật khó, ông Huệ cho rằng, lần sửa đổi này cần góp ý thêm để sau này các tổ chức tín dụng “hoạt động công khai, minh bạch, đàng hoàng, không phải lo cái gì cả”.

Cũng đề cập về sở hữu chéo, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận xét, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống.

Thực trạng này làm gia tăng một số rủi ro, trong đó có rủi ro thâu tóm/chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Chẳng hạn BaovietBank và PVcomBank có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ; Trương Mỹ Lan - SCB; nhóm cổ đông tại ACB...

“Cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt/hạn chế những vụ việc quy mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc SCB - Vạn Thịnh Phát gần đây”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Nhằm hạn chế sở hữu chéo, Dự thảo đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cần có sự thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Dự thảo đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân xuống 3%, trong khi Điều 4, Dự thảo cũng như Luật Chứng khoán vẫn đưa ra khái niệm về cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu là 5% vốn điều lệ hoặc vốn biểu quyết. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có khái niệm cổ đông lớn, nhưng không giới hạn tỷ lệ cụ thể.

Các ngân hàng 0 đồng có cái nào phá sản đâu

Hiện tại, có một số ngân hàng đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng, 2 ngân hàng yếu kém. Với 3 ngân hàng 0 đồng, cơ quan chức năng đưa ra phương án chuyển giao, có ngân hàng sẵn sàng đứng ra nhận, nhưng quá trình xử lý rất chậm. Như Ocean Bank, tôi biết MB dự kiến tiếp nhận, nhưng từ năm ngoái đến năm nay, 1 năm thủ tục chưa xong, rất khó khăn. Trong khi đó, Dự thảo quy định phương pháp là can thiệp đặc biệt, nếu can thiệp đặc biệt không xong thì chuyển sang cho phá sản hoặc chuyển giao bắt buộc. Nhưng các ngân hàng 0 đồng hiện tại có cái nào phá sản đâu. Tôi cũng đọc báo cáo đang cơ cấu sẽ cho phá sản, nhưng chưa thấy phá sản.

- Đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi)

Trên thực tế, quy định này vẫn có thể bị vô hiệu hóa. Để lách các quy định trên, các cổ đông sở hữu số vốn nhỏ hơn 5% vốn điều lệ lại ủy quyền cho những cá nhân tổ chức không liên quan với mình để đầu tư thêm vào ngân hàng đó, đại biểu Đồng nhận xét.

Để hạn chế tác động tiêu cực từ vấn đề sở hữu chéo, đại biểu Đồng nêu nhiều giải pháp, như tiếp tục khuyến khích và có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là có thể nghiên cứu xem xét mở “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn “ngoại” - vừa là nguồn tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng, vừa góp phần cải thiện công nghệ quản trị công ty trong ngân hàng, giúp các ngân hàng sớm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Cũng đề cập vấn đề sở hữu chéo, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) nhấn mạnh trong báo cáo đều nói về sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, yêu cầu phải khắc phục ngay, “nhưng khó quá hay sao mà đến giờ này vẫn chưa xong”.

“Năm ngoái, SCB liên quan đến Vạn Thịnh Phát, nhưng tôi thấy đứng sau đại gia đều có một ngân hàng cả. Tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm được, nhưng mà trong Dự thảo chưa đề ra được quy định phòng ngừa tình trạng này”, ông Huy nói.

Nhiều vấn đề quan trọng chưa đủ cụ thể

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra rất nhiều bất cập. Đặc biệt, quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt… đều là những vấn đề quan trọng, cốt lõi của Dự án Luật, nhưng còn chưa đủ cụ thể, chưa phù hợp, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra.

Một trong những điểm mới, nhưng khiến cơ quan thẩm tra còn nhiều lo ngại ngay từ khi thẩm tra sơ bộ là bổ sung quy định tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm.

Dự thảo quy định, ngân hàng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 tháng và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ.

Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0%/năm từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần rà soát các trường hợp được tiếp cận khoản vay đặc biệt theo hướng chỉ áp dụng trong trường hợp có sự cố rút tiền hàng loạt, hoặc trong trường hợp có nguy cơ đổ vỡ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng, gây bất ổn xã hội.

Đối với các chủ thể cho vay đặc biệt được bổ sung thêm so với luật hiện hành gồm Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Kinh tế cho rằng, không hợp lý, không bảo đảm các nguyên tắc kế toán.

Dự thảo còn quy định trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, Ngân hàng Nhà nước được chỉ định một hoặc một số tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng với lãi suất 0%.

Quy định này là can thiệp vào hoạt động của TCTD, không phù hợp với quy định về quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định.

Theo nghị trình, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ được thông qua theo quy trình hai kỳ họp (thông qua tại Kỳ họp thứ sáu). Chưa yên tâm về chất lượng, Ủy ban Kinh tế đề nghị kéo dài đến Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024) mới thông qua.

Tin liên quan
Tin khác