Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đại diện gần 40 hợp tác xã trong vùng.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam cho biết, sau 4 năm thực hiện, Luật Hợp tác xã năm 2012 cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển hợp tác xã trong tình hình hiện nay. Chính phủ và các Bộ, Ngành ban hành nhiều văn bản pháp luật để hướng dẫn thực hiện Luật. Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi, đăng ký lại hợp tác xã theo Luật.
. |
Đến hết năm 2016, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có hơn 5.500 hợp tác xã nông nghiệp, với trên 2,5 triệu thành viên, chiếm 51,4% tổng số hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước. Trong đó, số hợp tác xã hoạt động dịch vụ tổng hợp chiếm 76,8%; số hợp tác xã hoạt động trong ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23,2 %. Sau 4 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, có 4.160 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đăng ký hoạt động lại theo Luật 2012; trên 940 hợp tác xã thành lập mới; 655 hợp tác xã giải thể và 222 hợp tác xã chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác.
Sau chuyển đổi, đăng ký lại, nhiều hợp tác xã đã tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành tinh giản, gọn nhẹ. Công tác quản lý tài chính, tài sản từng bước đi vào nề nếp. Ngoài thực hiện được các dịch vụ thiết yếu, một số hợp tác xã bắt đầu hỗ trợ cho các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số hợp tác xã đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tham gia vào các chương trình sản xuất công nghệ cao, sạch, an toàn tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị cao, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, tăng đầu tư, tích lũy cho hợp tác xã. Một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tương đối tốt như Hợp tác xã sản xuất, chế biến tiêu thụ nấm Sáng Thiện (Hà Nội), Hợp tác xã cựu chiến binh Vạn Xuân Trương (Nam Định), Hợp tác xã Vân Hội Xanh (Vĩnh Phúc)...
Tuy nhiên chỉ có 29,5% số hợp tác xã nông nghiệp được phân loại khá, tốt; còn lại là hoạt động kém hiệu quả do có nhiều khó khăn về vốn, tài sản, phương án sản xuất kinh doanh, trình độ cán bộ...
Tại hội nghị, đại biểu đại diện địa phương và hợp tác xã có những tham luận, làm rõ những kết quả đạt được, nêu lên một số khó khăn, tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách còn chậm ban hành và chưa đồng bộ. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn yếu về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã còn thấp, không có khả năng tích lũy để tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, một số hợp tác xã đã tiến hành chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn mang tính hình thức, chưa nắm vững và vận dụng đúng Luật Hợp tác xã; các hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế về trình độ, năng lực và không ổn định…
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hợp tác xã năm 2012, các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả… đến cán bộ, chính quyền và người dân. Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách mới về khuyến khích phát triển hợp tác xã phù hợp với thực tế như vấn đề đất đai, tài chính, nâng cao năng lực hợp tác xã…
Các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện để ban hành các Nghị định như: Nghị định về chính sách hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị định về chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn… Đồng thời nghiên cứu bổ sung Hợp tác xã nông nghiệp vào đối tượng được áp dụng Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã được tham gia vào chương trình cho vay 100.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp cao...
Trong năm 2017, các địa phương cần hoàn thành đăng ký lại các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến năm 2018, cơ bản thực hiện xong việc giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Các tỉnh, thành phố chú trọng phát triển các hợp tác xã làm nhiệm vụ đầu ra, thí điểm chuyển đổi hợp tác xã thành doanh nghiệp, thí điểm phát triển doanh nghiệp trong hợp tác xã…