Viễn thông - Công nghệ
Số phận tài sản số ở Việt Nam: Lành ít, dữ nhiều
Tú Ân - 07/04/2024 08:00
Thị trường giao dịch tài sản ảo ở Việt Nam khá sôi động, song tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi thế, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này.

Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tài sản số được giao dịch là các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum, cũng có thể là các loại token, NFT (token không thể thay thế), hoặc ở dạng RWA (Real World Asset) - tài sản, vật phẩm thực được mã hóa hoặc token hóa. Dạng tài sản số này chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, dù vậy, các giao dịch tài sản số vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế.

Báo cáo từ Boston Consulting Group nhận định, tổng giá trị tài sản số đến năm 2030 dự kiến lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Còn theo số liệu thống kê mới đây của Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số (sau Ấn Độ và Mỹ), với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.

“Tổng giá trị giao dịch của người dùng Việt Nam chỉ riêng trên một sàn tài sản ảo top đầu đã vào khoảng 20 tỷ USD/tháng. Thị trường giao dịch OTC (mua bán trực tiếp) tài sản ảo ở Việt Nam mỗi ngày có quy mô không dưới 100 triệu USD. Đây là những số liệu thống kê ở thời điểm giữa năm 2023, khi giá Bitcoin chỉ khoảng 30.000 USD”, ông Trần Huyền Dinh, CEO Công ty công nghệ Alpha True cho hay.

Tại Diễn đàn tài sản số mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) đánh giá, tài sản số có nhiều cơ hội, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro; thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo.

Ông Hưng đề xuất xây dựng khung pháp lý kiểm soát giao dịch tài sản số, thúc đẩy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật. Từ đó giúp giữ lại tài năng trong nước, tránh chảy máu chất xám, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

“Khi các dòng tiền đầu tư được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, rủi ro an ninh tiền tệ sẽ giảm, góp phần tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách thông qua kiểm soát thuế, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư”, ông Hưng khẳng định.

Góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) nhấn mạnh, tài sản ảo là xu thế không thể đảo ngược của thế giới. Tổng giá trị tài sản ảo dự kiến chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030. Việc cấm tài sản ảo là không khả thi. Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định quản lý các loại tài sản ảo và những tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.

Tương lai mịt mờ cho tài sản số

Liên quan đến vấn đề này, ngày 23/2/2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tại quyết định trên, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025.

Số liệu từ Chainalysis được Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ gần đây trong một chương trình tập huấn tại Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam cho thấy, tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022 là 90,8 tỷ USD; trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Như vậy, với quyết định trên, số phận của tài sản số đang lành ít, dữ nhiều.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo đang không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng.

“Sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước có cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề trên”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là nhiệm vụ khó khăn. Việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cần phải đánh giá kỹ khả năng quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số; công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.

Do đó, trong giai đoạn này, các bộ, ngành tăng cường cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này.

Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2022, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiền ảo, tài sản ảo (hay còn gọi là tiền thuật toán) không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương các nước phát hành, mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính. Đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ. Mỗi nước có cách quản lý khác nhau với tiền ảo, có nước coi tiền ảo như một tài sản để thu thuế, cấp phép giao dịch.

Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định, tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối năm 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, hầu hết các chính phủ trên thế giới cũng đang lúng túng trong vấn đề quản lý tài sản ảo. Các chính phủ đang tìm cách ứng xử phù hợp, vì nếu không sẽ tác động trực tiếp vào chủ quyền, quan trọng nhất là chủ quyền quốc gia về tiền tệ.

Còn ông Nguyễn Đoan Hùng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, việc thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay điều chỉnh tài sản ảo đều đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người theo đuổi lĩnh vực kinh tế số như Blockchain, AI, IoT…

Tin liên quan
Tin khác