Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện xã hội hóa đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề |
Nhiều dự án lớn đang hội tụ
Trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Sóc Trăng đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, không thể không kể đến những kết quả nổi bật về thu hút đầu tư. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh trong giai đoạn này ngày càng đi vào chiều sâu và có chọn lọc nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Cụ thể, tỉnh đã tiếp và làm việc với khoảng 900 lượt nhà đầu tư, trong đó có trên 100 nhà đầu tư nước ngoài. Có 116 dự án được cấp chủ trương đầu tư (tăng 55 dự án), với tổng vốn đăng ký 27.282 tỷ đồng (tăng gấp 5,5 lần so giai đoạn 2011-2015). Trong đó, 9 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư khoảng 3.312 tỷ đồng và đã có nhiều dự án được triển khai, đi vào hoạt động ổn định. Một số dự án đã và đang triển khai có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên lĩnh vực xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, Sóc Trăng ghi dấu ấn khi đưa Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng vào sử dụng từ quý IV/2020. Dự án có tổng chiều dài 28,5 km, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp năm 2018, góp phần quan trọng vào kết quả thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh liên tục đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất, chế biến và bảo quản nông, thủy sản; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; du lịch, nhà hàng, khách sạn..., đặc biệt là đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đều cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện dự án, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tích cực hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục. Kết quả, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép triển khai nhiều dự án, trong đó, các dự án đi vào hoạt động đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Khu sản xuất tôm giống tại xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) của Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc; Tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo của Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang; Nhà máy may công nghiệp tại phường 7 (TP. Sóc Trăng) của Tổng công ty May Nhà Bè; Vincom Plaza Sóc Trăng; Ánh Quang Plaza…
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, sau khi tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp năm 2018, đến nay, số lượng các nhà đầu tư đến địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng mạnh. Trong đó, một số nhà đầu tư có uy tín từ Pháp, Đức, Nhật Bản... đã đến khảo sát các vị trí mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực trong việc tăng cường công tác xúc tiến và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh đang đem lại những kết quả tích cực.
Trong suốt nhiệm kỳ qua, các cấp lãnh đạo của địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng đến hàng rào dự án, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, trong chọn lựa nhà đầu tư, tỉnh đã chú trọng đến phát triển bền vững, xanh, sạch, không để ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất. Bằng việc triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo…, tỉnh đã từng bước tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp.
Kết quả là trong nhiệm kỳ qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 1.900 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 47,2%), tạo việc làm mới cho khoảng 35.000 lao động (tăng 2,4 lần so nhiệm kỳ trước). Đến nay, có tổng số 3.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, với tổng vốn điều lệ đăng ký khoảng 33.000 tỷ đồng. Tại Khu công nghiệp An Nghiệp, nhiều công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết hàng chục ngàn lao động tại địa phương, số doanh nghiệp và vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ.
Trong định hướng chiến lược nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Sóc Trăng tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, gia nhập thị trường...; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích đầu tư, để nhiều nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế, quản trị, công nghệ tiên tiến đến đầu tư ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch... Tranh thủ nguồn lực đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng liên vùng, xã hội hóa đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề; khai thác lợi thế giao thông thủy, bộ dọc sông Hậu, kết nối với khu vực kinh tế biển, tập trung kêu gọi đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp...