Trao đổi với phóng viên, nhiều ngân hàng cho biết, sẽ tiến hành bầu nhân sự điều hành nhiệm kỳ mới trong kỳ ĐHCĐ năm nay. Đại diện VIB thông tin, nhiệm kỳ VII (giai đoạn 2016-2019) của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát của VIB sẽ kết thúc trong năm nay và trong kỳ họp ĐHCĐ tới đây, VIB sẽ bầu nhiệm kỳ VIII (2019-2023), với dự kiến HĐQT VIB sẽ có 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.
MBBank vừa thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên 2019 vào ngày 4/3 tới. Một trong các nội dung quan trọng của cuộc họp năm nay là việc bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2019-2024. Song song với đó, MBBank cũng chốt danh sách nhân sự dự kiến được bầu.
Hiện Chủ tịch HĐQT của MBBank là ông Lê Hữu Đức, 2 Phó chủ HĐQT là ông Lưu Trung Thái (kiêm Tổng giám đốc) và ông Lê Công. Ngoài ra, HĐQT MBBank còn có 7 thành viên khác, trong đó có 1 thành viên độc lập nhằm đáp ứng quy định về quản trị công ty theo Nghị định số 71/2017/NĐ-CP.
Năm 2018, Eximbank thu hút sự chú ý từ thị trường sau vụ việc hàng trăm tỷ đồng tiền gửi "bỗng dưng biến mất". Việc tiền gửi của khách hàng bị mất không chỉ khiến Eximbank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro - là một trong những nguyên nhân gây lỗ trong quý IV/2018, mà còn khiến chiếc ghế Tổng giám đốc của ông Lê Văn Quyết lung lay. Bản thân ông Quyết đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ này, nhưng đến nay vẫn giữ vị trí điều hành Eximbank.
Cũng trong năm 2018, Eximbank đã bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú. Bà Tú nguyên là Tổng giám đốc Nam A Bank và là trường hợp duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trong số 4 nhân sự ứng cử bầu bổ sung làm thành viên HĐQT Eximbank. Được biết, Eximbank dự kiến tiến hành ĐHCĐ thường niên vào ngày 26/4/2019.
Thực tế, không đợi đến mùa ĐHCĐ, nhiều ngân hàng đã liên tục thay đổi nhân sự cấp cao trong thời gian qua. Chẳng hạn, tại ABBank, chỉ trong năm 2018, nhà băng này đã 3 lần thay Tổng giám đốc, đánh dấu bằng sự trở lại của ông Phạm Duy Hiếu thay cho bà Dương Thị Mai Hoa xin từ nhiệm chỉ sau 5 tháng giữ chức vụ này.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Quân giữ chức Quyền Tổng giám đốc ABBank trong 3 tháng, thay ông Cù Anh Tuấn xin nghỉ việc. Ngoài vị trí Tổng giám đốc, cũng trong năm 2018, ABBank còn thay Chủ HĐQT và người được bổ nhiệm là ông Đào Mạnh Kháng, thay thế ông Vũ Văn Tiền.
Không chỉ ABBank, năm qua, ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT của nhiều ngân hàng (Kienlongbank, SeABank…) cũng ghi nhận sự thay đổi nhằm đáp ứng quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, giới chuyên gia nhìn nhận, tình hình nhân sự cấp cao tại nhiều ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm nay.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm nay, sẽ có gần 77% tổ chức tín dụng dự kiến tăng thêm nhân lực, tập trung vào bộ phận phụ trách dịch vụ ngân hàng. Trong đó, trưởng phòng chăm sóc khách hàng chuỗi bán lẻ (Retails Relationship Manager) và trưởng phòng phát triển đại lý (Agency Development Manager) là các vị trí được săn đón gắt gao nhất bởi các ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Thực tế, ngay sau Tết Kỷ Hợi 2019, nhiều nhà băng đã thông bảo tuyển dụng số lượng lớn nhân sự, chẳng hạn Sacombank thông báo tuyển dụng 800 nhân sự; Nam A Bank là 500-700 nhân sự…
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 13- Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty đại chúng (có hiệu lực từ 1/8/2017): “Cơ cấu thành viên HĐQT của công ty niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập”.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 34 - Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: "Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác".