Tổng cục Thống kê gấp rút tập huấn cho các bộ ngành, địa phương về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới. |
Tổng cục Thống kê bắt đầu tổ chức tập huấn cho các bộ ngành, địa phương về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Danh mục chỉ tiêu thống kê của Luật Thống kê để đưa Luật vào cuộc sống ngay từ đầu năm 2022.
Năm 2022 hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về thống kê
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết, kể từ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP; cứ 5 năm/lần Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát GDP báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
“Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia mới gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu (hiện tại là 186 chỉ tiêu). Đây là những chỉ tiêu ở tầm quốc gia, phản ánh bao quát những nội dung cơ bản, cốt lõi về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, tập trung phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng tập trung vào chính sách phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vao các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; bình đẳng giới; quan hệ hội nhậ quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam...”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Luật Thống kê và Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê khách quan, chính xác, đầy đủ phục vụ cho việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới của đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để sớm đưa Luật vào cuộc sống, bà Hương cho biết, ngay trong quý II năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chương trình điều tra thống kê quốc gia và Quyết định quy định hệ thống chỉ tiêu thông kê cấp tỉnh, huyện xã. Trong quý IV năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ thông qua Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.
“Trong năm 2022, các bộ ngành phải hoàn thành việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và chế độ báo áo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới và triển khai thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công thực hiện”, bà Hương nhấn mạnh.
Quy trình biên soạn GDP, GRDP phải chặt chẽ
Theo chuyên gia về thống kê, PGS.TS Trần Thị Kim Thu (nguyên Trưởng khoa Thống kê, Đại học Kinh tế quốc dân), việc luật hóa quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn GDP, GRDP sẽ chấm dứt được tình trạng GRDP của các địa phương năm nào cũng gấp 1,5-3 lần GDP chung của cả nước; bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống kết nối giữa các khâu trong quá trình biên soạn; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành và địa phương trong việc biên soạn, công bố số liệu giữa GRDP và GDP. Đặc biệt là bảo đảm sự phù hợp giữa GDP và GRDP với các số liệu có liên quan như chỉ tiêu về giá trị sản xuất, chi phí trung gian, giá trị tăng thêm, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất-nhập khẩu…
“Khi biên soạn GDP và GRDP cần phải bảo đảm một số nguyên tắc như bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong biên soạn và công bố GDP và GRDP; bảo đảm tính đống bộ, hệ thống và kết nối ở tất cả các khâu từ việc thu thập số liệu, xử lý dữ liệu đến biên soạn và công bố số liệu; bảo đảm tính logic, phù hợp giữa GDP và GRDP với các chỉ tiêu thống kê có liên quan”, bà Thu cho biết.
Để bảo đảm các nguyên tắc kể trên, trong biên soạn GDP và GRDP, theo bà Thu cần phải thực hiện 3 bước từ chuẩn bị số liệu đến công bố số liệu. Cụ thể, đầu tiên phải xác định được nhu cầu thông tin và bảo đảm nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Đó là thông tin do cơ quan thống kê trực tiếp thu thập, xử lý và tổng hợp gồm thông tin do cơ quan Thống kê trung ương tổng hợp, cập nhật từ các bộ ngành, địa phương báo cáo; thông tin do cơ quan thống kê địa phương trực tiếp thu thập, xử lý và tổng hợp từ các sở ngành trên địa bàn.
Thứ hai là xử lý dữ liệu đầu vào phải có sự kết nối giữa Thống kê trung ương với địa phương. Cụ thể, cơ quan thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra, làm sạch số liệu trên địa bàn trước khi cung cấp cho cơ quan Thống kê trung ương. Thống kê trung ương xử lý dữ liệu do thống kê tỉnh cung cấp như kiểm tra tính logic, phù hợp khi so sánh với số liệu của quốc gia (số liệu từ hồ sơ hành chính, các báo cáo của bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty) phục vụ cho việc biên soạn GDP và GRDP cho từng ngành, từng khu vực kinh tế, từng địa bàn và gửi lại thống kê tỉnh rà soát, kiểm tra để bảo đảm phù hợp với thực trạng hoạt động kinh tế của từng địa phương.
Thứ ba là biên soạn số liệu. Trong quá trình biên soạn, quy trình cũng được lặp đi lặp lại giữa cơ quan Thống kê trung ương và địa phương để vừa bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, vừa bảo đảm thực trạng của từng địa phương. Trước hết Thống kê trung ương phân tích, rà soát số liệu đầu vào sau khi thông kê cấp tỉnh gửi lại và tiến hành đối chiếu, so sánh các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan để tính toán (lần đầu) GDP và GRDP. Sau khi có kết quả lần đầu, Thống kê trung ương gửi thống kê cấp tỉnh rà soát lại, phân tích từng số liệu để bảo đảm phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội trên địa bàn sau đó gửi lại Thống kê trung ương để tiếp tục cân đối, điều chỉnh, hoàn thiện số liệu; phối hợp với các bộ ngành giải trình số liệu GDP và GRDP trước khi trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện công bố.
“Chỉ khi bảo đảm sự thống nhất về số liệu cụ thể, số liệu tổng hợp, không tính trùng, không bỏ sót mới thực hiện công bố số liệu GDP và GRDP. Về mặt khoa học thì thống kê không được tô hồng mà phải là bức tranh phản chiếu toàn cảnh, cận cảnh, với từng lớp cắt mọi hoạt động kinh tế - xã hội cả nước, từng địa phương, từng ngành nghề, lĩnh vực. Còn số liệu đúng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là thông tin, dữ liệu đầu vào”, bà Thu nhấn mạnh.