Đầu tư và cuộc sống
“Sống Chung Với Mẹ Chồng” và “Người Phán Xử” làm đang mưa làm gió phim truyền hình Việt
Phúc Du - 17/04/2017 08:17
Không hẹn mà gặp, có hai phim truyền hình Việt cùng trở thành những cơn sốt như nắng hạn sau mưa. Vậy, "Sống Chung Với Mẹ Chồng" lẫn "Người Phán Xử" có những con-bài-chủ nào?


“Sống Chung Với Mẹ Chồng” và “Người Phán Xử” làm mưa làm gió, phim truyền hình Việt có đang lấy lại ưu thế?

Mấy năm gần đây, phim truyền hình Việt gần như bị loại hẳn ra khỏi danh mục giải trí của giới trẻ. Rất nhiều phim đều đặn phát sóng mỗi tuần, mỗi tháng trên nhiều sóng truyền hình lớn nhưng hầu như chỉ dành cho các bà nội trợ giết thời giờ. Với sự phát triển của công nghệ, giới trẻ gần như không cần đến chiếc tivi nữa. Có theo dõi chăng cũng chỉ là những gameshow mà thần tượng của họ tham gia. Còn những phim truyền hình với dàn diễn viên không ngôi sao, những câu chuyện nhàm chán không có điểm nhấn thì lấy gì để giữ chân người trẻ?

Nhìn lại quá khứ huy hoàng và chao đảo

Phim Vòng Xoáy Tình Yêu

Làn sóng phim truyền hình gần nhất trong trí nhớ khán giả có lẽ đã cách đây gần 12 năm, khi khung "Giờ vàng cho phim Việt" vừa bắt đầu với bộ phim Vòng Xoáy Tình Yêu làm lại từ kịch bản Thái Lan. Những cái tên Thanh Thuý, Cao Minh Đạt, Như Phúc ngày đó chính là những "ngôi sao" trong lòng người xem đài. Sau Vòng Xoáy Tình Yêu chính là những Niềm Đau Chôn Giấu, Mộng Phù Du, Hương Phù Sa, v.v.. thậm chí là những cái "bắt tay quốc tế" như Mùi Ngò Gai (hợp tác với Hàn Quốc).

Xét trên tổng thể, những bộ phim kể trên đều không xuất sắc. Nhưng lại thoả mãn nhu cầu của khán giả khi đó, khi mà sự tiếp cận với điện ảnh thế giới chưa dễ dàng như bây giờ. Chứng tỏ các nhà đầu tư, đạo diễn nhìn nhận rất tốt xu hướng của thị trường cũng như nội lực của điện ảnh nước nhà đương thời.

Theo thời gian, cơn sốt phim truyền hình biến thành cơn bão, rồi bão hoà với quá nhiều các bộ phim "mì ăn liền" vừa nhanh vừa ẩu. Cộng với sự đánh mạnh vào thị trường rạp chiếu cùng những bom tấn điện ảnh ngoại nhập, nhu cầu thưởng thức của khán giả tăng lên nhanh chóng. Thế là những phim truyền hình rập khuôn, xem thường khán giả lập tức bị khán giả xem thường.

Phim "Gọi Giấc Mơ Về" từng được các đài chiếu đi chiếu lại suốt một thời gian dài

Sự phân hoá bắt đầu xuất hiện rõ rệt trên sóng truyền hình khi mà lượng phim nội không ổn định, thời lượng phát sóng bị các chương trình truyền hình thực tế giành bớt và từ từ chiếm luôn thế độc tôn. Đó là chưa kể sức ép dữ dội của những phim truyền hình Đài Loan, Ấn Độ dài hàng nghìn tập khiến cho phim Việt chính thức trở thành thứ mà giới mộ điệu không còn bận tâm nữa. Với hầu hết khán giả trẻ bây giờ, phim truyền hình Việt gần như là một khái niệm không tồn tại.

Những mạch sống chập chờn

Tất nhiên, phim truyền hình sẽ không bao giờ có thể chết hoàn toàn. Dù giới trẻ không còn quan tâm nhưng các bà nội trợ, người lớn tuổi vẫn chuộng phim nói tiếng Việt hơn tiếng ngoại quốc. Và có người xem thì sẽ có phim sản xuất, dù chỉ là loại hình giải trí tạm bợ đi chăng nữa.

Phim Tuổi Thanh Xuân hợp tác Việt – Hàn

Đôi khi, vẫn có những "quả bom" truyền hình khiến khán giả trẻ quan tâm như các phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, hay gần đây là Tuổi Thanh Xuân hợp tác với Hàn Quốc. Những bộ phim này thu hút một cơ số khán giả trẻ, đặc biệt là fan của những diễn viên chính. Vì thế mà dù chất lượng trồi sụt, phim vẫn có rating cao suốt thời gian phát sóng.

Nhã Phương là một trong những ngôi sao hiếm hoi chịu bám trụ với truyền hình

Nhưng đó cũng chỉ là những tia sáng lập loè, những mạch sống chập chờn đôi khi loé lên giữa lãnh địa phim truyền hình cằn cỗi. Đến nỗi từ chỗ không bận tâm, nhiều người đã không còn niềm tin vào phim truyền hình Việt. Các diễn viên được nuôi lớn từ truyền hình cũng đã giã từ chiếc nôi của họ để vẫy vùng trong những cuộc chơi điện ảnh hào nhoáng hơn.

Những cơn sốt được tính toán kĩ lưỡng

Thế rồi, bất ngờ đã xảy ra vào đầu năm 2017 khi có đến 2 phim truyền hình cùng lúc gây sốt: Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng.

Phim "Người Phán Xử"

Phim "Sống Chung Với Mẹ Chồng"

Hàng loạt những lượt bình luận, ý kiến, chia sẻ về hai bộ phim ngay cả lúc chưa phát sóng đã lôi kéo được sự chú ý của số đông. Kết quả, phim lên sóng tập nào là "hot" tập đấy, người người nhà nhà đều canh xem mỗi ngày, các bài viết về phim cũng được quan tâm hơn cả.


Thế lý do gì đã tạo nên sức hút của hai phim truyền hình này?

Thứ nhất, chính là sự đầu tư về nội dung. Có thể thấy, cả hai chủ đề trong hai bộ phim này đều không mới hay đặc biệt nhưng nó có những thế mạnh nhất định. Sau Chạy Án thuộc series Cảnh Sát Hình Sự từ nhiều năm trước, gần như trinh thám trở thành món ăn lạ lẫm trên bàn ăn phim truyền hình Việt. Có những phim ra mắt mà chẳng ai quan tâm bởi vì kịch bản quá yếu hoặc thiếu sức hút thực tế. Người Phán Xử thì khác, bộ phim được Việt hoá từ bản gốc của Israel nên thừa hưởng sự mạnh mẽ nhất định trong các tình tiết, nhân vật – thứ mà kịch bản phim Việt đang cực kì yếu. Cộng với việc mạnh tay thể hiện những hình ảnh táo bạo hơn, những câu thoại đắt hơn, thế là mọi người ấn tượng.

Một cảnh phim Người Phán Xử

Hay như Sống Chung Với Mẹ Chồng, bộ phim khai thác chủ đề mà bất cứ gia đình nào cũng trải qua – quan hệ mẹ chồng nàng dâu – nên dễ dàng chiếm được sự quan tâm của khán giả. Phim này cũng dựa trên một tiểu thuyết ăn khách tại Trung Quốc, được biên kịch tính toán để liên tục xuất hiện những tình huống gây tranh cãi, hoặc đồng tình, thế là "hot" trên mọi mặt trận. Vậy tức là, thế mạnh đầu tiên chính là kịch bản. Một quy luật muôn đời của điện ảnh.

Một cảnh phim Sống Chung Với Mẹ Chồng

Tất nhiên, nếu không nhắc đến diễn xuất của các gương mặt "kì cựu" trong hai bộ phim này thì quá thiếu sót. Hai NSND Hoàng Dũng và Lan Hương chính là hai con bài mạnh nhất, khi họ được giao cho những vai chủ chốt. Khả năng diễn xuất lão luyện đã khiến họ không chỉ làm chủ được nhân vật mà còn dẫn dắt được bộ phim trơn tru. Các diễn viên trẻ khác như Việt Anh, Bảo Thanh, Anh Dũng cũng bộc lộ được khả năng cần thiết nhất của người diễn viên là diễn xuất thay vì khoe nhan sắc.

Người Phán Xử hay Sống Chung Với Mẹ Chồng không chỉ là những tiêu chuẩn cho phim truyền hình mà còn là sự phản kháng kịch liệt vào phong trào đưa các gương mặt đình đám không biết diễn xuất vào phim để hí lộng khán giả. Đó cũng là lý do mà dù cho phim có nhiều sạn, những chỗ chưa thoả đáng nhưng khán giả vẫn quan tâm theo dõi.

Công tác truyền thông mạnh mẽ


Cả Người Phán XửSống Chung Với Mẹ Chồng đều có những bước đi truyền thông, quảng bá bài bản và hiệu quả. Thay vì để bộ phim "tự sinh tự diệt" với các khán giả chẳng thèm quan tâm chất lượng hay nội dung mà chỉ cầm remote giết thời gian, hai bộ phim tiếp cận đến các đối tượng khán giả khác bằng nhiều hình thức.

Chất bạo lực trong Người Phán Xử gây tranh cãi

Khi Người Phán Xử vừa lên sóng, khán giả tranh cãi về độ bạo lực nhưng cuối cùng thứ khiến người ta nhớ về phim là những câu thoại chất lượng - một nước đi khéo léo tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội. Tương tự với Sống Chung Với Mẹ Chồng, bộ phim được tung ra những đoạn clip hấp dẫn từ khi phim chưa phát sóng, khiến khán giả háo hức về một phim hợp với phụ nữ Á Đông.

Đây cũng là minh chứng rất hữu hiệu của truyền thông và điện ảnh. Người Phán XửSống Chung Với Mẹ Chồng đã có những bước tính toán chiến lược bài bản để bộ phim tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, một phim được đàn ông yêu thích còn một phim được phụ nữ bàn tán.

Thời hoàng kim của truyền hình có thể trở lại?

Nếu chỉ với 2 bộ phim còn chưa phát sóng hết mà đã khẳng định "có" thì hơi vội. Nhưng nếu nhìn vào tổng quan của điện ảnh Việt Nam sẽ thấy được những thay đổi rất rõ rệt.

Điện ảnh Việt vài năm gần đây gần như chiếm hết sự quan tâm của giới trẻ bởi đó là những cuộc chơi lắm tiền nhiều sắc. Các hot boy, hot girl, ca sĩ, người mẫu chính là lựa chọn để các nhà làm phim câu kéo khán giả trẻ. Rồi hàng loạt những dự án được "chơi lớn" ra đời, có khi lên đến mấy chục tỉ với đủ thứ nhãn mác ngoại quốc. Nhưng năm 2016 vừa rồi chính là kết quả rõ rệt nhất với hàng loạt cú ngã đau điếng của những hy vọng lớn.

Vua phòng vé vẫn có thể thất bại nếu chủ quan

 Khi một loạt chuông báo được gióng lên, các nhà đầu tư phải tính đường thay đổi chiến lược là chuyện sớm muộn. Và truyền hình trong thời gian tới rất có thể sẽ là một mảnh đất màu mỡ cho những "bom tấn" dài tập.

Cộng thêm trào lưu làm phim Việt hoá đang nở rộ, các bộ phim truyền hình mua bản quyền từ nước ngoài sẽ là "chiêu bài" mà các nhà đầu tư không dễ dàng bỏ qua. Điển hình nhất chính là dự án Mối Tình Đầu Của Tôi được Việt hoá từ She Was Pretty đình đám của Hàn Quốc. Bộ phim được giới thiệu về rất nhiều thế mạnh, cũng như sự đầu tư không thua kém phim điện ảnh này chắc chắn sẽ còn nhiều "chiêu trò" nữa trong thời gian tới để thu hút dư luận.

 Lời kết:

Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng đang chiếm được cảm tình rất lớn từ khán giả, đó chính là lợi thế cực mạnh của phim truyền hình Việt hiện tại. Sự biến chuyển bấp bênh của dòng chảy điện ảnh Việt Nam cũng là một thế mạnh khác cho sự bùng nổ về lâu dài của truyền hình. Đây thực sự là hai biến số quan trọng mà các nhà đầu tư, các nhà làm phim buộc phải "thao tác" trong lĩnh vực kinh doanh phim ảnh.

Đối với khán giả, đây là một tín hiệu đáng mừng khi ngành công nghiệp truyền hình nước nhà có thể sẽ khởi sắc sau một thời gian dài mất cân bằng trầm trọng. Chưa kể, nếu phim truyền hình chất lượng và được chú ý lâu dài thì sẽ còn làm sống dậy cả một giai đoạn mang tính lịch sử khi những gia đình quây quần bên chiếc tivi. Dù muốn dù không, cũng nên cảm ơn "người phán xử" và "bà mẹ chồng bá đạo".

Tin liên quan
Tin khác