Tài chính - Chứng khoán
Sông Đà Cao Cường dọn đường đón cổ đông ngoại?
Kỳ Thành - 04/05/2024 10:31
Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường đã thông qua việc tăng vốn, sửa đổi Điều lệ công ty, trong đó loại bỏ các nội dung, ngành nghề liên quan đến hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.
Sông Đà Cao Cường đang ở thời kỳ mới, cần sự thay đổi, chuyển dịch để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Đã có nhà đầu tư ngoại quan tâm

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường (SCL, UPCoM) đã thông qua một loạt kế hoạch đầy tham vọng trong năm 2024 tại kỳ họp thường niên diễn ra cuối tháng 4. Đáng chú ý trong đó là kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn, đồng thời sửa Điều lệ công ty, loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh.

Cụ thể, Sông Đà Cao Cường sẽ bỏ cụm từ “sản xuất dầu diezel, dầu FO” và “bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan” vì liên quan đến hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.

Thẳng thắn chia sẻ với cổ đông, ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, Công ty đang ở thời kỳ mới, cần sự thay đổi, chuyển dịch để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhằm tăng cường năng lực để tham gia đấu thầu các dự án, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Đại hội đồng cổ đông Sông Đà Cao Cường cũng thông qua tờ trình phương án chuyển cổ phiếu SCL đang giao dịch trên trên UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Thời điểm dự kiến nộp hồ sơ đăng ký niêm yết là trong năm 2024 - 2025.

“Việc sửa Điều lệ nhằm gỡ bỏ những rào cản cho sự phát triển của Công ty, Đã có những nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn góp vốn vào các dự án của Công ty. Niêm yết trên HoSE sẽ giúp cổ phiếu SCL có thanh khoản tốt, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm, cũng là giúp sản phẩm tiếp cận, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, ông Mát nói.

Đồng thời, để củng cố “sức khỏe” cho doanh nghiệp, Sông Đà Cao Cường cũng thông qua đề xuất dùng gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (sau khi đã trích các quỹ) để chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm 3,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.

Bên cạnh cổ tức bằng cổ phiếu, Đại hội đồng cổ đông Sông Đà Cao Cường cũng thông qua phương án phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, đồng thời phát hành 900.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong Công ty (ESOP). Nếu thực hiện thành công các phương án phát hành này, Công ty sẽ nâng vốn điều lệ từ 187 tỷ đồng hiện nay, lên 283 tỷ đồng.

Mục tiêu doanh thu, lợi nhuận kỷ lục

Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Sông Đà Cao Cường ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2023 và cổ phiếu SCL có nhịp tăng nóng thời gian gần đây. Từ đầu năm 2024, thị giá SCL đã tăng gần gấp đôi, lên mức 37.800 đồng/cổ phần, cao nhất kể từ khi lên sàn tháng 9/2010. Vốn hóa thị trường của Sông Đà Cao Cường tương ứng hơn 700 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2023 (đã kiểm toán) của Sông Đà Cao Cường cho thấy, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 473,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 2,7 lần năm 2022, lên mức 43,9 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này từng đạt được kể từ khi hoạt động.

Năm 2024, Sông Đà Cao Cường tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng đột biến. Cụ thể, Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 gần 866 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 64,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 82% và 47% so với thực hiện năm 2023. Để hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh kỷ lục này, ông Kiều Văn Mát cho biết, Sông Đà Cao Cường đã hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng công suất dây chuyền sản xuất vữa, keo dán gạch đá, dây chuyền sản xuất gạch nhẹ.

Về mở rộng thị trường, Công ty đang tiến hành các bước để thành lập văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM và có thể là cả Đà Nẵng để hình thành mạng lưới phân phối sản phẩm. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiếp cận thị trường thế giới, trước mắt trọng tâm là Philippines, Singapore, sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Về việc đầu tư tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng tại Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, ông Vũ Văn Chiến, Tổng giám đốc Sông Đà Cao Cường cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư, song Công ty đã tích cực tìm các giải pháp, đang gấp rút triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành dây chuyền 1 và đưa vào sản xuất giai đoạn I trong tháng 6/2024.

Đến nay, Công ty đã chuẩn bị triển khai xử lý toàn bộ tro xỉ thuộc cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư giai đoạn II xây dựng tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng gồm vữa xây, keo dán gạch đá, cấu kiện bê tông đúc sẵn, gạch nhẹ AAC; tấm sàn, tấm tường bê tông nhẹ…

Tin liên quan
Tin khác