Ngôi sao sáng trên “bầu trời” blockchain
Tám ngày sau khi công bố vụ bị hack hơn 600 triệu USD (diễn ra từ ngày 23/3), Sky Mavis, công ty đứng sau trò chơi Axie Infinity, huy động được 150 triệu USD để hoàn trả người chơi trong vụ tấn công mạng blockchain. Vòng gọi vốn này do Binance của tỷ phú Changpeng Zhao dẫn đầu.
Động thái này của Sky Mavis khiến Lợi Lưu, đồng sáng lập Kyber Network (một nền tảng giao dịch phân cấp, đáp ứng nhu cầu giao dịch và trao đổi coin, tiền ảo của nhiều ứng dụng khác nhau) rất khâm phục, bởi đây là lần đầu tiên, một dự án có thể đền 100% tiền cho người dùng sau khi bị tấn công, điều chưa dự án blockchain nào trong quá khứ làm được.
- Ông Hadi Malaeb, đồng sáng lập, CEO Agora Group
Lợi Lưu dẫn chứng về vụ hack chấn động thị trường tiền mã hóa năm 2016, khi sàn giao dịch Bitfinex bị hacker đánh cắp 119.754 bitcoin. Sau đó, sàn này cũng thông báo hoàn lại tiền cho người chơi bị ảnh hưởng, nhưng không phải hoàn tiền trực tiếp mà chuyển thành một khoản nợ và trả dần cho người dùng.
Axie Infinity là game NFT nổi tiếng nhất hiện nay với hơn 2 triệu người dùng mỗi ngày. Changpeng Zhao, CEO Binance cũng thực sự tin tưởng Sky Mavis sẽ mang lại nhiều giá trị tăng trưởng cho ngành công nghiệp hơn và cho rằng, cần phải hỗ trợ họ khi họ làm việc chăm chỉ để giải quyết sự cố vừa qua.
Đây cũng là bước đi quan trọng giúp Axie Infinity lấy lại được lòng tin của người dùng. Các sàn giao dịch tiền điện tử lớn đều cam kết cùng Sky Mavis điều tra.
Ngoài ra, chính phủ phải có chiến lược rõ ràng và có bộ công cụ để đánh giá được tầm nhìn của mình. Chẳng hạn, đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các giao dịch phải đạt 50% tiền mã hóa sử dụng trên nền tảng blockchain.
Nguyễn Thành Trung, đồng sáng lập Sky Mavis thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố là do đội ngũ phát triển không đánh giá đúng về mức độ quan trọng của các công việc, đặc biệt là khâu bảo mật.
Có thể nói, Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng, tập trung nhiều dự án tiền mã hóa thu hút dòng tiền đầu tư.
Tiếp nối thành công của Axie Infinity, nhiều dự án game khác của Việt Nam cũng thu hút hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư, như FOTA gọi vốn 10,3 triệu USD, Sipher gọi vốn gần 7 triệu USD, Faraland gọi vốn 2,4 triệu USD...
Ông Trịnh Ngọc Đức, Giám đốc điều hành FOTA chia sẻ: “Việc gọi vốn 10,3 triệu USD từ các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới là chuyện không đơn giản. Nếu chúng tôi chỉ biết làm dự án chạy theo “trend” (xu hướng), thì không đủ thuyết phục niềm tin, tiền của nhà đầu tư trên thế giới”.
Trên thực tế, FOTA không chỉ nối tiếp làn sóng chơi game để kiếm tiền, mà nhìn về tương lai trong 3 - 5 năm tới với Metaverse (vũ trụ ảo). Đó mới là cái mới, vì khi đầu tư cho tương lai, nhà đầu tư sẽ đầu tư thực chất, chứ không đầu tư vào những dự án được “bơm”, “thổi”.
Theo ông Đức, có một số dự án trên thị trường gọi vốn vài triệu USD rất nhanh, nhân giá trị vốn hóa lên hàng trăm triệu USD chỉ trong thời gian ngắn, nhưng chỉ sau 1 - 2 tháng, dự án đó “chết”. Trong khi đó, FOTA được xây dựng để có thể đi được 3 - 5 năm, khi thị trường tiền mã hóa phát triển lớn hơn, nhiều tên tuổi game nhảy vào thị trường hơn. Đó là lý do vì sao lúc này các nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng đầu tư vào FOTA.
Nhìn lại, hầu hết các dự án kỳ lân trong năm 2021 ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có vài năm chuẩn bị và gọi vốn thành công. Đặc biệt, những dự án này đều ra mắt khi “trend” thoái trào.
FOTA cũng ra mắt vào đúng thời điểm thị trường đi xuống, nhưng đội ngũ FOTA tin rằng, đây là lúc thị trường ổn nhất. Thông thường, lúc thị trường đi lên, thì ai cũng nghĩ công ty phát triển, nhưng khi thị trường đi xuống, mới là lúc chứng minh bản lĩnh và khả năng chèo lái của đội ngũ lãnh đạo.
Trong khi rất nhiều dự án khác không chính thức ra mắt, FOTA đã huy động vốn thành công cả 4 vòng và vừa phát hành token (tiền mã hóa) trên sàn giao dịch phi tập trung (IDO) thành công. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn có niềm tin và thị trường vẫn có ngôi sao sáng để đầu tư.
“Tôi không dám khẳng định chắc chắn FOTA ra mắt đúng thời điểm, nhưng sau vài tháng chuẩn bị kỹ càng mọi thứ, thì thấy thành công. Chúng tôi tự tin chọn đúng ngành, đúng hướng, đúng ngạch và sẽ phát triển mạnh trong 2 năm nữa”, Giám đốc điều hành FOTA nói.
Các dự án ứng dụng blockchain, vũ trụ ảo... đang thu hút dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới |
Mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư
FOTA, Metados 3, SocialFi là 3 dự án đại diện cho ngành blockchain Việt Nam góp mặt vào 18 dự án trên quy mô toàn cầu xuất hiện tại Hội nghị Blockchain toàn cầu tổ chức mới đây tại Hà Nội, với sự tham gia của 100 quỹ đầu tư.
Thị trường Việt Nam là “cái nôi” nuôi dưỡng rất nhiều công ty lớn ngành blockchain. Cụ thể, có 7 trong số 200 công ty blockchain lớn nhất đến từ Việt Nam. Điều đó khiến thị trường Việt Nam trở nên vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Johnny McCamley, sáng lập, CEO Công ty CryptoClear khẳng định, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ blockchain. Những gì đang diễn ra ở Việt Nam khó có thể tìm thấy ở thị trường khác.
Theo Johnny McCamley, lượng vốn được đầu tư vào các start-up blockchain ở Việt Nam sẽ rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD hoặc hơn thế. Việt Nam sẽ là một trong những thị trường dẫn đầu thế giới về công nghệ blockchain. Do đó, sẽ có một nguồn vốn “khủng” đổ vào các công ty Việt Nam từ chính các nhà đầu tư Việt Nam. Đặc biệt, thế hệ trẻ người Việt mà ông từng gặp tại các trường đại học rất đam mê công nghệ. Chính điều này sẽ góp phần xây dựng tương lai cho blockchain tại Việt Nam.
Johnny McCamley là doanh nhân, nhà quản lý danh mục tài sản tiền điện tử đến từ Ireland. Ông đến Việt Nam để “bắt tay” Công ty M.I.International và Local Arts cùng phát triển Dự án Metaverse (Công trình kỹ thuật số). Đây là dự án được kết hợp giữa các giá trị tài sản thực và hiện hữu, được phát triển dựa trên truyền thống dân tộc Việt Nam và phù hợp với tiêu chí của UNESSCO.
Bắt đầu đầu tư vào tiền mã hóa (crypto) từ năm 2015 khi mới 17 tuổi, với đam mê đầu tư, tư duy nhạy bén cùng sự am hiểu về công nghệ blockchain và tiền điện tử, Johnny
McCamley đã có nhiều thành tựu đáng nể ở tuổi 24. Đối với Johnny McCamley, công nghệ chuỗi khối (blockchain), thế giới ảo (Metaverse) và tiền điện tử (crypto) đã tạo nên những ứng dụng trong thực tế và trở thành công cụ đầu tư. Ông đã nhìn thấy tương lai rất sáng cho sự phát triển của các ứng dụng công nghệ này tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cùng quan điểm, ông William Đỗ, CEO Quỹ đầu tư Hobbit Investment cũng khẳng định, blockchain là mảnh đất rất màu mỡ cho các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam. Tiền mã hóa, điện tử thực chất chỉ là công cụ để gọi vốn và đem lại lợi ích cộng đồng. “Trong ngành này, các nhà đầu tư chỉ muốn được công nhận có đóng góp và đem lại giá trị thực sự cho Việt Nam”, William Đỗ nói.
Tuy nhiên, để có thể gọi vốn thành công, nhà sáng lập dự án không chỉ dựa vào sức mạnh của đồng tiền để phát triển một dự án blockchain mà bỏ qua yếu tố con người và chỉ bắt trend ngắn hạn.
Với kinh nghiệm từ thương vụ gọi vốn cho FOTA, CEO Quỹ đầu tư Hobbit Investment khẳng định, để hút vốn, start-up blockchain cần phải hội tụ những điều kiện nhất định, sau đó giới thiệu dự án ra thị trường đúng thời điểm. Nếu không, dự án của start-up rất khó lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư.
“Nếu bạn muốn hút vốn từ nhà đầu tư, bạn cần phải truyền cảm hứng cho họ. Nếu bạn không tạo ra cảm xúc mãnh liệt để họ xem dự án của mình, bạn đã thất bại ngay từ giây phút đầu tiên giới thiệu dự án của mình ra thị trường”, William Đỗ cho hay.
Có thể thấy, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế và tiếp tục trở thành “vùng trũng” của các quỹ đầu tư ngoại vào blockchain, song cũng còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Đó là sự thiếu hụt hành lang pháp lý cần thiết cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; tốc độ phát triển của blockchain quá nhanh, số lượng lập trình viên tuy dồi dào, song không nhiều người có thể hiểu tường tận lĩnh vực này. Điều đó khiến việc triển khai một dự án blockchain không thể liền mạch thành chuỗi, một số sản phẩm có nguy cơ đứt gãy, thậm chí có thể khiến cả dự án tiềm năng phải bỏ dở. Trong một dự án gameFi (trò chơi điện tử kết hợp tài chính phi tập trung), hoàn toàn có thể xảy ra tranh cãi giữa nhóm am hiểu làm game với bên chuyên môn blockchain. Hoặc lập trình viên chỉ giỏi về một bên, có thể cần được đào tạo thêm.
Dù vậy, theo nhận định của Giám đốc điều hành FOTA, lợi thế để start-up Việt cạnh tranh với đối thủ chủ yếu đến từ nguồn nhân lực dồi dào và đội ngũ trẻ, giàu năng lượng, nắm bắt thị trường nhanh.