Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI - HOSE) vừa công bố Kết quả kinh doanh Báo cáo riêng quý I/2016. Kết thúc quý I, SSI ghi nhận tổng doanh thu là 373,24 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý I/2015. Lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 134,35 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế hợp nhất cho quý I/2016 dự kiến sẽ đạt 170 tỷ đồng.
Các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Công ty bao gồm Hoạt động Môi giới Chứng khoán, Hoạt động Cho vay ký quỹ & Ứng trước tiền bán và Hoạt động Đầu tư.
Kết thúc quý I năm 2016, SSI tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trên cả hai Sở Giao dịch chứng khoán HOSE và HNX với thị phần đạt lần lượt là 13,96% và 11,04%.
Theo đó, doanh thu từ Hoạt động Môi giới chứng khoán của Công ty đạt 80,7 tỷ đồng - tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015. Dư nợ cho vay ký quỹ tăng từ 3.200 tỷ đồng cuối năm 2015 lên gần 3.500 tỷ đồng trong quý I/2016. Doanh thu từ Hoạt động Cho vay ký quỹ và Ứng trước tiền bán cũng đóng góp một phần quan trọng trong tổng doanh thu toàn Khối Dịch vụ Chứng khoán, đạt 98,3 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với quý I/2015.
Hoạt động Đầu tư tiếp tục có đóng góp lớn trong cơ cấu doanh thu của SSI, chiếm xấp xỉ 24% trên tổng doanh thu quý I/2016. Tại thời điểm 31/3/2016, Công ty có mức vốn chủ sở hữu là 6.618,7 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 12.254,6 tỷ đồng, tăng 3% so với mức đầu năm.
SSI tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trên cả hai sàn HOSE và HNX, với thị phần đạt lần lượt là 13,96% và 11,04% |
Ngày 25/4, Công ty sẽ tiến hành họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên tại TP.HCM. Theo đó, kế hoạch và định hướng kinh doanh trong năm nay của SSI sẽ dựa vào những yếu tố chính dựa trên những thử thách và cơ hội của thị trường.
Trong đó, SSI đặt kỳ vọng lớn vào việc thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước gia tăng năng suất, giảm giá hàng hóa tăng lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài đang được đặt lên hàng đầu.
Cùng với đó, việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn các công ty có vốn chủ sở hữu Nhà nước, tiến trình mở giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, tạo cơ hội cho dòng vốn ngoại đổ vào thị trường.
Tính riêng năm 2015, tổng giá trị IPO và thoái vốn thông qua đấu giá đạt 10,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 462 triệu USD). Hình thức thoái vốn theo lô, hoặc thoái vốn cho một nhà đầu tư sở hữu hay nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp Nhà nước đã được đưa ra năm trong 2015 với kỳ vọng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong ngành và nhà đầu tư tài chính. Trong giai đoạn tới, dự kiến sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp cổ phần hóa và từ đó tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán .
Ngoài ra, triển khai chứng khoán phái sinh, một công cụ đầu tư mới thu hút nhiều dòng vốn mới cho TTCK cũng như giúp thị trường vận hành và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách như: lãi suất, tỷ giá, dư nợ tín dụng, nợ xấu của ngân hàng.
Trong đó, thị trường chứng khoán được dự đoán là vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2016. Tuy nhiên, với hơn 50% các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam có P/E dưới 10x và đa số các cổ phiếu cũng có P/B dưới 1,5x, thấp hơn nhiều so với các TTCK trong khu vực, SSI tin rằng TTCK Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư giá trị. Các đợt điều chỉnh của thị trường chính là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn cho công ty.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, những thách thức này đòi hỏi cả Chính phủ lẫn cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi cách thức vận hành để nâng cao năng lực doanh nghiệp cũng như chất lượng sản phẩm.
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ mới với bộ máy mới sẽ quyết tâm đưa ra được những giải pháp, cải cách mới trong thời gian tới. Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp có nền tảng tốt bứt phá và là cơ hội cho các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị tìm kiếm các cổ phiếu cơ bản đã giảm giá sâu trong thời gian qua”, ông Hưng cho biết.