Năm 2019 được coi là 1 năm bùng nổ của giới Startup Việt và họ bước vào năm 2020 với tâm thế sẵn sàng để gặt hái được nhiều thành công. Thế nhưng đại dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến giới Startup Việt rơi vào cuộc khủng hoảng và nó đã bộc lộ những dấu hiệu đầu tiên của sự khủng hoảng tài chính khiến viễn cảnh tươi đẹp của Startup Việt dần trở nên ảm đạm hơn.
Sự việc mới nhất Wefit tuyên bố phá sản khiến Startup Việt Nam rút ra được rất nhiều bài học trong bối cảnh đặc biệt này. Vậy các công ty khởi nghiệp sẽ phải làm gì để có thể duy trì được sự sống của mình ngoài việc cắt giảm tất cả các chi phí vận hành và làm thế nào để vực dậy mạnh mẽ hơn sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc?
Bản tin “Cuộc sống 24h” được phát sóng từ 6h00 - 7h00 các ngày trong tuần trên kênh VTC1 và VTC14. |
Mới đây, Wefit tuyên bố ngừng hoạt động bởi khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh Covid-19. Vốn hoạt động của ứng dụng này bị cạn kiệt hoàn toàn. Cú "ngã ngựa" của Wefit đã ảnh hưởng không ít đến cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Ông Hà Anh Tuấn (CEO Vinalink) cho rằng “Sự hào hứng của Startup Việt Nam bị sụt giảm, nhụt chí. Các ứng dụng công nghệ ảnh hưởng đến khách hàng cung cấp dịch vụ. Hàng trăm người sử dụng sẽ không đặt tiền trước, họ cho rằng nếu các doanh nghiệp bị phá sản thì họ sẽ không đòi được tiền”.
Cũng là 1 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng Base.vn lại có thể đứng vững qua mùa dịch. Như nhiều công ty khác, khi dịch Covid-19 xuất hiện, các nhân viên thực hiện làm việc từ xa. Đây vừa là cách thức cũng vừa là cơ hội để đội ngũ lãnh đạo thử nghiệm những cách phối hợp từ xa hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Startup cần hành động cẩn trọng hơn trong điều kiện bình thường mới. Đó là vấn đề quản lý vận hành, quản lý nhân sự và dòng tiền.
. |
Nhân sự và tài chính là 2 trong số nhiều yếu tố quyết định thành công của ứng dụng học trực tuyến Monkey Junior. Ông Đào Xuân Hoàng (Người sáng lập Monkey Junior) cho rằng: “Phải thật sự đam mê và có khát vọng cao với công việc mình đang làm. Đi trên con đường khởi nghiệp, phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về quản lý, tài chính”.
Năm 2016, chính phủ đã phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đề án này được cộng đồng khởi nghiệp kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong cộng đồng khởi nghiệp hiện nay.
Các chuyên gia nhận định, Startup muốn thành công bền vững không có cách nào khác là phải chứng minh được sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh, thậm chí là phải tăng trưởng cả khi không có tiền đầu tư. Bên cạnh đó, việc bổ sung nhân tài vào đội ngũ để có 1 tâm thế sẵn sàng thích nghi với điều kiện bình thường mới là rất quan trọng. Những điều kiện này sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đứng vững, vượt qua khó khăn để vực dậy nền kinh tế.