Một cánh đồng hoa hướng dương bị cháy khô tại Hortobagy, Hungary ngày 14/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là cảnh báo của Giáo sư Tommy Koh, nhà môi trường học và nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore, đưa ra mới đây.
Giáo sư Koh, chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất năm 1992 và chủ nhân giải thưởng "Nhà vô địch của Trái đất" (Champions of the Earth) năm 2006 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đã chia sẻ quan điểm về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo The Straits Times.
Theo đó, Giáo sư Koh cho rằng thế giới đã không ngăn chặn được suy giảm đa dạng sinh học, và hầu hết không nhận ra rằng tình trạng mất đa dạng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái sẽ ảnh hưởng đến sự sống trên Trái Đất.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Giáo sư Koh nhận định thế giới đang tiến gần đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như cảnh báo của LHQ, và nếu điều này xảy ra sẽ là "thảm họa". Ông Koh cảnh báo thời gian không còn nhiều, đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phụ thuộc vào nỗ lực của các quốc gia trên thế giới.
Ông cho biết Chính phủ Singapore sẽ cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của nước này. NDC là kế hoạch hành động về khí hậu của mỗi quốc gia thành viên LHQ nhằm cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ông kêu gọi chính phủ các nước đưa ra cam kết giảm mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Đề cập đến vấn đề nguồn nước, Giáo sư Koh cho rằng mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện nguồn cung cấp nước sạch, nhưng các quốc gia vẫn chưa thực sự ưu tiên cải thiện điều kiện vệ sinh. Trong khi đó, theo ông, điều kiện vệ sinh rất quan trọng vì nó liên quan đến sức khỏe cộng đồng, cũng như khả năng trẻ em được đến trường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, trong năm 2020, chỉ 54% dân số toàn cầu được tiếp cận điều kiện vệ sinh an toàn. Hơn 1,7 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản như nhà vệ sinh riêng. Trong khi đó, 45% lượng nước thải hộ gia đình trên toàn cầu không được xử lý an toàn.