Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. |
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, theo quyết định của Quốc hội, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nằm trong chương trình kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022), nhưng Chính phủ tiếp tục xin lùi.
Vào giữa tháng 4/2022 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 thì thời hạn lùi dự án luật quan trọng này, dù đã lần thứ tư, vẫn chưa cụ thể mà chỉ nêu đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Sáng 24/5, báo cáo Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Việc này, đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).
Liên quan đến chương trình năm 2023, ông Tùng cho biết hai dự án luật, gồm Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nhiều chính sách mà Chính phủ trình trong hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật này có nội dung liên quan chặt chẽ đến các chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của 2 luật này với Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị bổ sung 2 dự án luật này vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 cùng thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Đề nghị trên nhận được sự đồng thuận tại phần thảo luận sau đó.
"Thực tiễn cho thấy yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4, đảm bảo tiến độ và chất lượng", đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu.
Đại biểu Phan Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng bày tỏ thống nhất cao với dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhất là với việc chỉ lùi thời hạn trình Luật Đất đai (sửa đổi) một kỳ họp, từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét theo quy trình 3 kỳ họp. Đồng thời ông Nghĩa cũng nhất trí đề nghị bổ sung việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
Nêu quan điểm cần có quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, đại biểu Phan Trọng Nghĩa cho biết theo rà soát của Ủy ban Dân tộc, hệ thống quy phạm pháp luật về công tác dân tộc nằm rải rác ở hơn 300 văn bản, chủ yếu là văn bản ở cấp Chính phủ, cấp bộ với 52 nghị định, 11 nghị quyết của Chính phủ, 118 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hơn 50 thông tư của các Bộ trưởng.
Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện Nghị định số 05 năm 2011 về công tác dân tộc và các quy định có liên quan để lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật về công tác dân tộc. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 hoặc chậm nhất là năm 2024 để xem xét, thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.