Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Đây là lưu ý đặc biệt của Uỷ ban Kinh tế khi thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 22/9.
Chưa rõ điều kiện, tiêu chí thu hồi đất
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.
Việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng , các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm “chín muồi”, được sự đồng thuận cao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; có tính dự báo, khả thi và tầm nhìn dài hạn, tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự về đất đai, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Cụ thể, về giao đất, cho thuê đất, cơ quan thẩm tra đề nghị giải trình rõ hơn lý do, sự cần thiết quy định về việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các trường hợp, như: sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản; giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp chuyển nơi công tác sang tỉnh khác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ; giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở…
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cơ quan thẩm tra nêu rõ, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu nhiệm vụ, giải pháp: “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” .
Hiến pháp cũng quy định chặt chẽ về các trường hợp thu hồi đất, theo đó “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (khoản 3 Điều 54).
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, nội dung tại dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng liệt kê cụ thể từng loại dự án cần thu hồi mà chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất như yêu cầu trên đây.
Bên cạnh đó, quy định của dự thảo Luật mở rộng phạm vi các dự án Nhà nước thu hồi đất, như: thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng (ngoài các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư theo phương thức PPP và các dự án hạ tầng khác); dự án khu nhà ở thương mại (Luật Đất đai hiện hành không có trường hợp này), dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép (Luật Đất đai hiện hành loại trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản), dự án lấn biển, dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất (Luật Đất đai hiện hành không có các trường hợp này)...
"Đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội, đặc biệt là khi thu hồi đất, đặc biệt là đất ở của người dân để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại", cơ quan thẩm tra
Nên áp dụng cơ chế tự thoả thuận
Liên quan đến cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại được Chính phủ xin ý kiến, ông Thanh cho biết, trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, có ý kiến cho rằng việc quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không, dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.
Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”; đồng thời “đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.
Mặt khác, do các dự án đô thị, nhà ở thương mại chủ yếu phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, việc áp dụng cơ chế tự thỏa thuận trong trường hợp này cũng bảo đảm không mở rộng trường hợp thu hồi đất ra ngoài phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; tôn trọng quan hệ dân sự giữa người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Do đó, việc cho phép nhà đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, thay vì áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này, là phù hợp cả về cơ sở chính trị và thực tiễn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.