Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tham gia thảo luận. |
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo).
Liên quan đến giá thuốc, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế, quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý. Vì thế, Luật Dược hiện hành quy định biện pháp “kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá thuốc đã kê khai”. Quy định này nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến cơ sở tiêu dùng.
Tuy nhiên, biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến này có nội hàm khác với biện pháp kê khai theo quy định của Luật Giá, do đó, để tránh sự hiểu nhầm, biện pháp “kê khai giá bán buôn dự kiến” được đổi tên thành biện pháp “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”.
Đồng thời, để cụ thể về quy trình, cách thức công bố giá bán buôn thuốc dự kiến và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung giải thích các từ ngữ “giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục.
Đồng thời, Dự thảo quy định công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến áp dụng đối với thuốc kê đơn, trừ trường hợp thuốc sản xuất hoặc nhập khẩu không vì mục đích thương mại được miễn công bố theo quy định của Chính phủ; biện pháp kiến nghị khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý để có cơ chế kiểm soát nếu cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc công bố giá bán buôn thuốc dự kiến tăng cao bất hợp lý.
Nêu ý kiến, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nói, Dự thảo nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến, được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc. Tuy nhiên, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… Dự thảo quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo.
Theo bà Hà, quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ví dụ, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận xét, Việt Nam như một “vùng trũng” của thế giới, nước nào cũng có thể xuất khẩu thuốc và. Số đăng ký trong nước trùng lặp rất nhiều, với 800 hoạt chất mà có tới 22.000 số đăng ký là quá nhiều nếu so sánh với các quốc gia khác.
Vì vậy, bà Lan cho rằng, sửa luật lần này phải hạn chế số đăng ký để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh hơn, tốt hơn, bớt tiêu cực hơn, chứ không phải chỉ đưa ra các cam kết về cải cách hành chính.
“Chưa kể với quá nhiều mặt hàng thuốc như vậy, không phân biệt được với nhau, quá trình đấu thầu, mua thuốc, lựa chọn thuốc của các bác sỹ cũng hết sức phức tạp. Chúng ta đặt ra vấn đề quản lý giá thuốc nhưng sẽ rất khó trên một quần thể quá đông như thế này”, bà Lan lo ngại.
Vấn đề khác đại biểu Lan đề cập là chính sách thì muốn doanh nghiệp dược trong nước phát triển, nhưng về đầu ra, trong bệnh viện việc đấu thầu lại theo hướng thuốc giá rẻ mới trúng, nên những doanh nghiệp đặt tiêu chí chất lượng chì chắc chắn giá chỉ có thể hợp lý thôi, không thể trong nhóm rẻ nhất được. Như vậy, các doanh nghiệp này dần đánh mất thị trường, không có nguồn thu nhiều, phải chuyển hướng để tăng vốn thì doanh nghiệp ngoài nước sẽ chi phối.
Vẫn theo nữ đại biểu TP.HCM, vẫn thiếu những định hướng về quản lý các tầng nấc trung gian.
“Muốn quản lý giá thuốc, nhưng không quy định được một viên thuốc được quyền qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỷ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu. Mà hiện nay, mới chỉ trông cậy vào việc người ta tự nguyên kê khai. Khi chưa định hướng quản lý được hệ thống phân phối thì tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn xảy ra”, bà Lan nhìn nhận.
Chưa kể, mục tiêu của đấu thầu là chọn thuốc rẻ, mà thuốc rẻ này không những ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh mà đồng thời còn bào mòn ngành công nghiệp dược, không thể nào phát triển bền vững được.
Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những năm gần đây, chúng ta liên tục thiếu thuốc, thiếu vaccine, ai cũng nói tại đấu thầu không được. Mà việc đấu thầu này đầu tiên ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, quyền lợi của người đóng bảo hiểm y tế khi đi vào cơ sở khám chữa bệnh, nhưng không được cung cấp đủ thuốc cũng như chương trình vaccine tiêm chủng mở rộng, đại biểu nêu thực tế.
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói thuốc là mặt hàng đặc biệt, nên quản lý giá thuốc cũng là việc rất quan trọng.
“Chúng ta đã thấy có bài báo nói là tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ. Chúng ta quản lý như vậy từ năm 2016 mà họ còn tăng. Nếu không quản lý thì thả gà ra đuổi, cũng không thể nào quản lý dược”, bà Lan giải thích.
Theo Bộ trưởng, giá thuốc của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định. Năm 2022, giá thuốc tăng 0,4%, năm 2023% là 1,45% - khi mà sau dịch Covid-19, giá tất cả các loại thuốc, nguyên vật liệu đều tăng.
Bộ trưởng cho rằng, qua biện pháp tại Dự thảo sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường.
Theo nghị trình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được bấm nút tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.