Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng ABBank. |
Nhận định của ông về sức hấp thụ vốn tín dụng trong nửa cuối năm nay?
Theo tôi, sự hồi phục của nền kinh tế trong nửa cuối năm rõ nét hơn so với nữa đầu năm, đồng thời sức hấp thụ vốn cũng tốt hơn.
Thực tế, trong quá trình làm việc với khách hàng, chúng tôi nhận thấy, hoạt động kinh doanh của ngân hàng có dấu hiệu hồi phục. Từ đó, khách hàng mới phát sinh vay vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng được chứng minh qua tín dụng của nền kinh tế tăng trở lại trong quý II/2024.
Cụ thể, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân sẽ tăng trưởng ra sao, thưa ông?
Đối với khách hàng cá nhân, nhu cầu vốn đang có xu hướng chậm hơn doanh nghiệp, kể cả với tín dụng mua nhà. Nguyên nhân một phần là tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, nên người lao động cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn. Vả lại, thị trường bất động sản đang trầm lắng và nguồn cung căn hộ cũng có phần hạn chế, nên nhu cầu vay mua nhà chưa tăng lại.
Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cải thiện rõ nét hơn. ABBank đang đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ lệ chiếm khoảng 15% tổng dư nợ.
Theo ông, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong nửa đầu năm nay thế nào?
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay tương đối thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 2 tháng đầu năm của ngành ngân hàng tăng trưởng âm và chỉ bắt đầu tăng trưởng từ quý II/2024.
Trong nửa đầu năm nay, ABBank tập trung xử lý nợ xấu, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động cho vay. Vì thế tăng trưởng tín dụng của ABBank có phần chậm lại trong 5 tháng đầu năm và bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 6/2024. ABBank cũng đang đẩy mạnh cho vay, với các gói tín dụng ưu đãi lãi suất.
Ngân hàng đã xử lý được bao nhiêu nợ xấu, thưa ông?
Việc xử lý nợ của Ngân hàng cũng đã có chuyển biến tích cực rõ nét, trong đó nhiều khách hàng bắt đầu có xu hướng xuống tiền để mua lại các tài sản thế chấp tới kỳ xử lý nợ, nên việc xử lý nợ của Ngân hàng cũng có phần thuận lợi hơn. Chúng tôi đã xử lý được hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu trong khoảng thời gian từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại được kiểm soát dưới 3%. Còn nợ tái cơ cấu của ABBank tính đến thời điểm hiện nay chỉ chiếm 1% tổng dư nợ của Ngân hàng. Nền kinh tế đang dần hồi phục và sức hấp thụ vốn cũng sẽ cải thiện, do vậy từ giờ đến cuối năm, khả năng trả nợ của khách hàng cũng sẽ tốt hơn.
Liệu lãi suất cho vay có tăng trở lại khi chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động?
Lãi suất cho vay vẫn đang ở mức khá thấp, ý chí của nhà điều hành cũng yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay. Vì thế, theo tôi, khả năng từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức phù hợp, nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, khơi thông dòng chảy vốn.
Quả thực, trong bối cảnh chi phí đầu vào bắt đầu tăng theo lãi suất huy động, ngân hàng cũng sẽ cân nhắc, song tín dụng còn chậm, nên lãi vay khó có thể sớm tăng, mà giữ ít nhất từ nay đến cuối năm, nhằm kích cầu vốn của khách hàng. Hiện tại, lãi vay ở mức thấp, song nhu cầu vốn của khách hàng còn chậm. Kể cả với cho vay mua nhà, lãi suất cho vay chỉ còn 5-6%/năm, nhưng dư nợ vay mua nhà chậm.
Như vậy, biên lãi ròng của ngân hàng sẽ khó tránh sụt giảm, tác động lên lợi nhuận?
Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng cũng phải chia sẻ với khách hàng, nên cần giảm lãi suất để kích cầu tín dụng. Vì thế, lợi nhuận của ngân hàng cũng khó tránh sụt giảm. Chúng tôi cũng đã nhận định được điều này khi đưa ra mục tiêu cho năm 2024. Tuy nhiên, mục tiêu của ABBank là tăng trưởng bền vững, chứ không phải tăng trưởng tín dụng một cách ồ ạt. Chúng tôi tập trung vào bán lẻ, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.