Ngân hàng - Bảo hiểm
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn trong năm 2022
Thùy Vinh thực hiện - 20/01/2022 08:32
Đại dịch được kiểm soát tốt, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, nền kinh tế có chiều hướng tăng trưởng khả quan trong năm 2022 sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, những hệ quả mà đại dịch Covid-19 gây ra dần được khắc phục, tác động từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cùng nền kinh tế trong nước có nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2022 sẽ tác động tốt tới tăng trưởng tín dụng ngân hàng thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Bửu Sơn

Tín dụng năm 2021 đã tăng trưởng khá ấn tượng vào giai đoạn cuối năm sau thời gian giãn cách xã hội. Theo ông, trong năm 2022, đặc biệt là khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cùng nhu cầu tín dụng sẽ như thế nào?

Sức khỏe của doanh nghiệp dần hồi phục kể từ quý IV/2021 trong thời gian hậu giãn cách. Nhu cầu vốn tín dụng tăng trở lại đã đẩy tín dụng của ngành đến ngày 31/12/2021 đạt mức 13,53% so cuối năm 2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020. Nhưng điều đó không có nghĩa, sức khỏe của doanh nghiệp hoàn toàn hồi phục như trước thời điểm xảy ra đại dịch.

Dù nền kinh tế đang tiếp tục mở cửa một số ngành, lĩnh vực sau thời gian dài giãn cách, nhưng doanh nghiệp chưa thể hồi phục ngay sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tuy vậy, nhiều khả năng, tăng trưởng tín dụng của doanh nghiệp sẽ trở lại ngay trong quý đầu năm, thay vì giảm như nhiều năm trước đó một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục sau thời gian dài giãn cách.

Đại dịch được kiểm soát tốt, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam có chiều hướng tăng trưởng khả quan trong năm 2022 sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng ngân hàng thời gian tới. Do đó, nhiều khả năng hoạt động cho vay của ngân hàng sẽ tăng trưởng cao hơn mục tiêu 14% mà ngành này đặt ra trong năm 2022 nếu chính sách tiền tệ được nới thêm để tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau dịch.

Nhưng dư địa chính sách tiền tệ được cho là không còn nhiều, thưa ông?

Tất nhiên, trong hai năm qua, chính sách tiền tệ đã nới lỏng, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Cụ thể, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành kể từ khi Covid-19 xảy ra đầu năm 2020 đến nay. Theo đó, NHNN đã giảm lãi suất, với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm). Nhờ vậy, các ngân hàng có điều kiện giảm lãi vay.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03 và mới nhất là Thông tư 14 sửa đổi... giúp các ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu vốn vay, gia hạn thời gian trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Nhận định của ông về mặt bằng lãi suất VND thời gian tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất?

Lãi suất cho vay của Việt Nam đã giảm, nhưng so với các nước trong khu vực, mặt bằng lãi suất hiện vẫn chưa ngang với mặt bằng lãi suất của khu vực. Với xu hướng thị trường sắp tới, nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại.

Trước hết, chúng ta phải xét đến yếu tố lạm phát khi Việt Nam vẫn kiểm soát tốt lạm phát ở mức như năm 2021 vừa qua và dự kiến ở mức 4% trong năm 2022. Hiện lạm phát của thế giới có xu hướng tăng, nhất là khi áp lực lạm phát với Mỹ tăng cao trong khi Fed đã đưa ra lộ trình sớm tái tăng lãi suất cơ bản của đồng đô-la Mỹ (USD)  trong năm 2022, với 3 lần điều chỉnh tăng, nhằm đưa lãi suất đồng USD lên gần 1%.

Khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm các ngân hàng đang áp dụng mức 4-6%/năm (tùy từng kỳ hạn khác nhau), người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Nếu lạm phát tăng trong thời gian tới và các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản) tăng, thì khả năng, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ khó duy trì ở mức thấpi.

Nhưng trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, thì giá cả hàng hóa, trong đó có hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ tăng so với trước đây. Như vậy, khi lạm phát tăng, thì giá hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt cũng sẽ cao hơn, từ đó có thể bù đắp được phần nào chi phí lãi vay.

Tất yếu, giá cả hàng hóa tăng sẽ phần nào ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Song cần thấy rằng, lạm phát trong điều kiện kinh tế tăng trưởng thì sức mua cũng sẽ tăng theo. Theo tôi, mức lạm phát 4% trong năm 2022 của Việt Nam là chấp nhận được và nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng, chứ không suy thoái.

Đặt giả thiết khi sức khỏe doanh nghiệp vừa mới hồi phục, thì lãi suất đã lập tức tăng trở lại. Theo ông, điều đó có đáng ngại?

Nhu cầu tín dụng tùy thuộc vào tiến trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu tình hình dịch bệnh được khắc phục và vòng đời sản phẩm quay trở lại bình thường như trước, thì doanh nghiệp sẽ vay vốn nhiều hơn.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị gián đoạn, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Hiện hoạt động sản xuất đang dần hồi phục, nhiều chuỗi sản xuất đang dần được nối lại, nhiều doanh nghiệp đang  đẩy mạnh hoạt động, nên cầu vốn sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng này còn tùy thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực.

Chẳng hạn, với lĩnh vực hàng tiêu dùng, khi nhu cầu của thị trường dịp tết cuối năm tăng cao thì nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường mùa cao điểm cuối năm là có. Nhưng với lĩnh vực du lịch, khách sạn... do chịu tác động mạnh của đại dịch, do thế giới, trong đó có Việt Nam xuất hiện biến chủng mới (Omicron) và do lĩnh vực này đang hồi phục dần, nên nhu cầu tín dụng chưa thể tăng mạnh trở lại.

Như vậy, nếu mặt bằng lãi suất tăng trở lại, nhất là với lãi suất cho vay, thì tất yếu sẽ tác động tới khả năng phục hồi của nhiều doanh nghiệp. Vì thế, chính sách tiền tệ cần tập trung theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022.

            

Tin liên quan
Tin khác