Đầu tư
Sức hút Việt Nam+1 của nhà đầu tư nước ngoài
Nguyên Đức - 28/10/2020 09:32
Một xu hướng khá mới được các nhà đầu tư Nhật Bản nhắc đến gần đây - Việt Nam+1, nhưng có lẽ cũng là xu hướng chung của các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Sau AEON MALL Hà Đông, Tập đoàn AEON đang nỗ lực hoàn tất các phần việc cuối cùng để có thể sớm đưa AEON MALL Hải Phòng đi vào hoạt động. Ảnh: Đ.T

Xu hướng mới: Việt Nam+1

Tập đoàn AEON (Nhật Bản) vẫn đang nỗ lực hoàn tất các phần việc cuối cùng để có thể sớm đưa Trung tâm Thương mại AEON MALL Hải Phòng đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, trung tâm thương mại thứ 6 của AEON tại Việt Nam này sẽ mở cửa vào trung tuần tháng 12/2020.

Điều đáng nói là, gần như cùng với thời điểm công bố kế hoạch mở cửa AEON MALL Hải Phòng, được khởi công từ tháng 5/2018, với vốn đầu tư 180 triệu USD, AEON cũng lên kế hoạch đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại khác tại TP.HCM.

Cách đây ít ngày, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, thỏa thuận hợp tác xúc tiến đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại AEON MALL tại TP.HCM trị giá 250 triệu USD đã được ký kết.

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 10 tháng qua vẫn đạt 15,8 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ (2,5%) so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất tích cực trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khiến việc đi lại của các nhà đầu tư, các chuyên gia rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện nhiều dự án, qua đó ảnh hưởng đến lượng vốn giải ngân.

Trong khi đó, Uniqlo, một tên tuổi khác của Nhật Bản, vào trung tuần tháng 10/2020, cũng vừa mở cửa hàng tiếp theo ở AEON MALL Long Biên, sau khi đã mở cửa hàng ở TP.HCM, Vincom Phạm Ngọc Thạch và Vincom Metropolis Hà Nội.

Và tất nhiên, không thể không nhắc đến chuyện Sumitomo dự kiến xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long 2 giai đoạn III, với vốn đầu tư 83 triệu USD. Sumitomo đang phát triển các khu công nghiệp ở Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và vẫn có nhu cầu mở rộng các khu công nghiệp này.

Đây chính là một trong những biểu hiện rất rõ nét của xu hướng “Việt Nam+1”, mà Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) nhắc đến gần đây. Không phải là “Trung Quốc+1” hay “Thái Lan+1” như trước đây, mà là “Việt Nam+1”. Xu hướng này có nghĩa rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản đã xây nhà máy ở Việt Nam, nay tiếp tục mở rộng đầu tư, xây thêm các nhà máy khác.

Không chỉ là AEON, Sumitomo hay Uniqlo, khi chia sẻ với báo giới, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại TP.HCM từng nhắc đến chuyện Công ty Towa muốn đầu tư thêm nhà máy ở Vĩnh Long, sau khi đã có nhà máy ở TP.HCM. Còn Furukawa, sau khi có nhà máy ở TP.HCM và Bến Tre, thì đầu tháng 10/2020, cũng đã khởi công thêm nhà máy ở Vĩnh Long, với vốn đầu tư gần 1.152 tỷ đồng, chuyên sản xuất dây dẫn diện dùng cho ô tô

Xu hướng rõ đến mức, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ này vào các ấn phẩm chính thức.

Sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam

Dù các nhà đầu tư Nhật Bản là những người đầu tiên định danh xu hướng “Việt Nam+1”, nhưng chắc chắn, đây không phải là xu hướng của riêng doanh nghiệp Nhật. Bởi lẽ, các số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 10 tháng qua tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.

Cụ thể, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 6,11 tỷ USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ.

Như vậy, có thể thấy khá rõ, trong số các luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, hiện chỉ có phần vốn tăng thêm là tăng so với cùng kỳ. Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn điều chỉnh trong 10 tháng qua tăng chủ yếu là do có Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (của nhà đầu tư Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và Dự án Khu Trung tâm đô thị Tây hồ Tây (của nhà đầu tư Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD. Còn thực tế, số lượng dự án mở rộng vẫn giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2019.

“Mặc dù vậy, xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét chung về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 10 tháng qua.

Một cách khá rõ ràng, những con số thống kê một lần nữa cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới đầu tư nước ngoài như thế nào, kể cả là vốn đăng ký mới hay vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, hay vốn giải ngân.

Tuy vậy, theo nhận định của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Không ít nhà đầu tư muốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam những dự án có quy mô vài trăm triệu USD đến cả tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác