1.
Rất hiếm khi cuộc làm việc với một nhân vật trên chuyên trang Gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư lại được thực hiện qua điện thoại. Bởi lẽ, để viết về một con người, yếu tố cảm xúc trực tiếp chi phối rất lớn người cầm bút.
| ||
Ông Hà Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần 26-3 Hòa Bình |
Nhưng, như ông Hà Văn Thắng thừa nhận, 25% thời gian của ông là những chuyến đi. Nếu tính cả phần 50% dành cho công việc như ông tự phân bố, thì đúng là những cuộc hẹn ngoài công việc tại văn phòng của ông tại Hòa Bình khá hiếm hoi.
Và câu chuyện với vị Tổng giám đốc của công ty hoạt động trong ngành xây lắp của tỉnh miền núi Hòa Bình bắt đầu từ các chuyến đi và niềm đam mê khám phá.
“Những chuyến đi đã mang lại cho tôi nhiều bài học, mà nhiều khi nhờ đó, tôi đã khám phá được chính bản thân mình”, ông Thắng bắt đầu câu chuyện.
Hóa ra, lý do khởi nghiệp của ông Thắng cũng ít giống ai.
Là một cán bộ trẻ của Tỉnh đoàn Hòa Bình vào những năm cuối cùng của thế kỷ trước, có dịp đi nhiều, nghe nhiều và cũng động lòng nhiều khi có những người đánh tiếng: “Làm cán bộ đoàn chỉ biết nói!”.
“Lúc đó còn trẻ, bức xúc lắm, buồn lắm! Mặc dù được đào tạo chuyên ngành về kinh tế nông nghiệp, rồi quản lý văn hóa, kiến thức về thị trường cũng chỉ là nghe nói, nhưng tôi tự nhủ, không nhẽ sức trẻ mà lại... chỉ biết nói!”, ông Thắng kể về quyết định nhận điều động tham gia xây dựng Xí nghiệp 26-3 của Tỉnh đoàn Hoà Bình vào năm 2001, rồi quyết định lên phương án cổ phần hóa Xí nghiệp và thành lập Công ty cổ phần 26-3 Hòa Bình vào năm 2002.
“Chúng tôi giữ lại tên 26-3, thương hiệu của những đoàn viên đi làm kinh tế những năm đầu tiên của thế kỷ 21 như một sự giao kết rằng, chúng tôi sẽ thành công bởi chính sự năng động, sáng tạo và sức trẻ của những người cán bộ đoàn. Rất may mắn cho chúng tôi, thời gian chuyển đổi cũng chính là lúc môi trường kinh doanh mở rộng với các doanh nghiệp tư nhân”, ông Thắng kể lại duyên nghiệp của mình.
Nhìn lại, sự thuận lợi chung của môi trường kinh doanh dành cho cả khu vực doanh nghiệp tư nhân lúc đó rất lớn, song không phải chia đều cho tất cả, nhất là với các doanh nghiệp ở tỉnh lẻ, vốn nhỏ cả về dung lượng thị trường, cơ hội, tầm nhìn... Tuy nhiên, như ông Thắng chia sẻ, đam mê khám phá, quyết định dấn thân và những chuyến đi đã khai phá những tiềm lực còn lẩn khuất trong người cán bộ đoàn trẻ tuổi.
“Những ngày đầu rất vất vả, cơ sở vật chất - kỹ thuật bắt đầu từ con số không, nguồn vốn sản xuất ít ỏi, nói chẳng ai tin, chỉ với 100 triệu đồng, với 18 người, toàn những người lần đầu bỏ việc nhà nước đi làm công ty cổ phần, chỉ biết không làm là đói”, ông Thắng nhớ lại.
Có được gần 1 tỷ đồng huy động từ tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, ông Thắng cùng Ban lãnh đạo Công ty quyết định đầu tư sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các loại vật liệu tại chỗ như luồng, bương, tre tươi.. Một đoàn cán bộ được cử sang Trung Quốc để tìm kiếm máy móc, học hỏi cách thức làm ăn. Sản phẩm đầu tiên tạo nên thương hiệu 26-3 trên thị trường là chiếu tre. Cũng sản phẩm này đã đưa Công ty cổ phần 26-3 Hòa Bình đoạt giải Sao Vàng đất Việt vào năm 2003, một năm sau khi thành lập. Và đây cũng là năm đầu tiên Giải thưởng Sao Vàng đất Việt được tổ chức.
Điều đáng nói là, sản phẩm của 26-3 đã vượt qua được các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc tại thị trường Việt Nam thời điểm đó, khi khám phá cách sử dụng dược thảo để đánh bóng thay vì hóa chất dễ gây phản ứng phụ cho người tiêu dùng…
2.
Cho tới thời điểm này, thương hiệu 26-3 không chỉ dừng lại ở những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà trong các lĩnh vực xây lắp, đào tạo nghề, trạm dừng nghỉ trên quốc lộ… Nếu kinh tế không khó khăn, có thể xuất hiện nhiều hơn các lĩnh vực đầu tư trong bảng mục đầu tư, kinh doanh của Công ty.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2012 cũng tạm được, theo nhận định của vị CEO. Lợi nhuận cho cổ đông vẫn trên mức lãi suất ngân hàng. Các chế độ cho người lao động được đảm bảo. Khoản lợi nhuận chính vẫn đến từ xây lắp, hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.
“Từ góc độ quản trị doanh nghiệp, tôi cho rằng, quy mô to hay nhỏ, doanh nghiệp địa phương hay trung ương không quyết định nhiều chất lượng, năng lực của doanh nghiệp, mà chính là công tác quản trị. Nếu to mà quản trị không lớn kịp thì dễ vỡ, nhỏ mà không chuyên nghiệp cũng khó bền, quan trọng là vừa sức”, ông Thắng chia sẻ quan điểm, khi câu chuyện chuyển hướng sang những phân vân đa ngành hay đơn ngành của doanh nghiệp Việt Nam.
Quan niệm về vừa sức, theo như ông Thắng, là khả năng chủ động với các tình huống. Là người đi nhiều, lại đam mê với các công trình giao thông, ông Thắng tâm đắc ví các vị CEO của doanh nghiệp như một lái xe đường trường. Rằng nếu đường đẹp, nên biết tranh thủ mát chân ga, nhưng đến đoạn đường xấu, thì chân côn, chân phanh phải nhịp nhàng để không chết máy. Đó là chưa kể lúc đổ dốc trên đường núi, cua tay áo liên tục, mặt đường nhiều ổ gà, cũng phải sẵn sàng các phương án thoát thân tối ưu.
Hai năm qua, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp như bước vào đoạn đường gập ghềnh, đầy chướng ngại vật. Khó có thể kỳ vọng một bước phát triển nhanh trong giai đoạn này, nhưng đây là lúc phải cắt bỏ những gì quá sức để giảm tải.
“Có những gói thầu đã ký, nhưng chưa nhìn thấy nguồn của chủ đầu tư, chúng tôi quyết định đàm phán để lui lại. Có dự án chợ, cụm công nghiệp, bến xe… đành phải lùi lại, khi nhu cầu thị trường giảm mạnh, dù các thủ tục cũng đã hòm hòm. Trong lúc này, mục tiêu của chúng tôi là cơ cấu lại, xác định chỉ làm những dự án có nguồn tiền thanh toán. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là sẽ phải cạnh tranh vô cùng, vì chưa bao giờ dự án có khả năng thanh toán lại tỷ lệ nghịch với số nhà thầu đến vậy”, ông Thắng nói.
Tới lúc này, những bài học được chiêm nghiệm từ những chuyến đi, đợt học tập, tham quan khắp nơi đang giúp vị CEO của một công ty tỉnh lẻ bình tĩnh đối mặt với khó khăn, nhất là vẫn chưa có một tín hiệu đủ mạnh nào cho sự hồi phục nhanh của lĩnh vực xây dựng.
“Năm 2010, tôi có dịp tham gia khóa đào tạo nằm trong Chương trình LeaderShip dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Tu nghiệp kỹ thuật hải ngoại Nhật Bản (AOTS) tổ chức tại Trung tâm Đào tạo AOTS tại Osaka Nhật Bản. Đúng là đi một đàng, học một sàng khôn. Tôi đã áp dụng những kinh nghiệm từ những người thầy, các doanh nghiệp Nhật Bản mà tận mắt tôi đã chứng kiến, từ tính chuyên nghiệp trong quản trị, cách thức làm việc nhóm, phương pháp xây dựng kế hoạch, bảng mô tả công việc cho từng vị trí. Hiện tại, Công ty đang vượt qua khó khăn bằng chính bảng mô tả công việc và sự chuyên nghiệp của từng vị trí”, ông Thắng nói.
Đây là lý do mà ông Thắng không ngần ngại khi nói về các lĩnh vực đầu tư tưởng như khá dàn trải của mình. Mọi lĩnh vực đều được xây dựng và phát triển một cách thực lực, chứ không chỉ đơn giản là tận dụng cơ hội của thị trường.
“Chúng tôi lớn lên qua những cuộc đấu thầu, nên rất hiểu hậu quả của cách đầu tư chụp giựt, hữu danh vô thực. Ngay cả việc tạo chuỗi doanh nghiệp trong các lĩnh vực để phục vụ nhu cầu cốt lõi là xây lắp cũng hình thành từ nhu cầu của chính doanh nghiệp”, ông Thắng tâm sự.
Năm ngoái, báo cáo của cơ quan thuế tỉnh Hòa Bình cho thấy, chỉ có 27% doanh nghiệp báo cáo có phát sinh thuế, còn lại là biến mất hoặc không sinh lời. Có thể thấy, việc tận dụng cơ hội của thị trường cũng không dễ dàng, nhất là ở những địa phương nhỏ.
3.
Hiện tại, Trung tâm Dạy nghề 26-3 của Công ty cổ phần 26-3 Hòa Bình không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho các công trình của Công ty, mà còn là địa điểm đào tạo theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Để có được lao động qua đào tạo tại Trung tâm, doanh nghiệp sẽ phải trả khoảng 3-4 triệu đồng/người, tùy ngành nghề, bằng cấp của lao động. Người lao động không phải trả phí để đào tạo.
Trong mô hình đào tạo của Trung tâm, ông Thắng cho biết, các công ty ứng dụng được thành lập để người học vừa học và hành, vừa có thu nhập để nuôi sống mình trong quá trình học tập.
“Đây cũng là một phần lý do tại sao tôi xác định kinh doanh đa ngành. Thử tính xem, nếu thu phí người học, chúng tôi sẽ không có được nguồn để đào tạo cho nhu cầu của mình, chứ chưa nói đến nhu cầu của các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, người lao động của ta còn nghèo, khả năng tự định hướng thấp”, ông Thắng chia sẻ say sưa các kế hoạch đầu tư không vì mục tiêu lợi nhuận vào đào tạo, những cơ hội cho cả người học, người dạy và chính bản thân vị CEO luôn tự đòi hỏi cao về tính chuyên nghiệp, tính học hỏi liên tục…
Nếu không biết trước, có thể sẽ nhầm ông là một chuyên gia về đào tạo nghề, chứ không phải là một CEO của một doanh nghiệp xây lắp tên tuổi, một thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thành danh…
Trên chặng đường dài tiếp theo, với quan điểm kinh doanh mà khám phá, thì có thể CEO nhiều đam mê Hà Văn Thắng sẽ chưa dừng lại ở những lĩnh vực kinh doanh hiện tại…
Trao đổi với CEO Hà Văn Thắng Hoạt động ở tỉnh lẻ có phải là bất lợi cho các doanh nghiệp? Ở tỉnh nhỏ hay trung tâm kinh tế thì đều có điểm mạnh, điểm yếu. Ao nhỏ, cá bé thì có thể dễ bắt hơn khi biển lớn, sóng nhiều, nhưng cũng khó ra biển nếu chỉ nhìn cá nhỏ trong ao. Vấn đề là tính chuyên nghiệp, nguồn lực, kinh nghiệm và khả năng thích nghi. Yếu tố nào theo ông là quan trọng nhất? Tính chuyên nghiệp. Nếu có được yếu tố này, giới hạn về địa giới sẽ không tồn tại. Với tư cách là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hòa Bình, ông thấy các doanh nghiệp tại địa phương đã quan tâm đến các yếu tố này chưa? Khá nhiều, nhưng số doanh nghiệp thụ động còn không ít. Tuy nhiên, trong số có quan tâm thì tỷ lệ thực hiện lại chưa nhiều, do họ còn mải lo cơm áo gạo tiền, lo tồn tại hơn là phát triển. Hội Doanh nhân trẻ Hòa Bình đang chung tay để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, thông qua các chương trình đào tạo, định hướng phát triển thương hiệu, sản phẩm thông qua các chương trình của Hội như Giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Đặc biệt, rất mừng là năm nay, Giải thưởng có cơ chế cho các doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần và đã được chấp nhận. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương vươn lên. |
Khánh An