CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS-sàn HNX) vừa thông báo chốt quyền nhận cổ tức năm 2023 vào ngày 5/9/2024. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 04/09/2024. Cổ tức dự kiến được thanh toán vào ngày 25/09/2024.
Với tỷ lệ chi trả 10%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 đồng, công ty sẽ cần chi gần 113 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức lần này. Trước đó, phương án phân phối lợi nhuận đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên với tổng cổ tức chi trả cho năm 2023 là 10%. Supe Lâm Thao cho biết sẽ sử dụng nguồn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính kiểm toán 2023.
Tính đến thời điểm 30/06/2024, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là công ty mẹ trực tiếp sở hữu 69,82% vốn. Đợt trả cổ tức này giúp Vinachem thu về gần 79 tỷ đồng.
Công ty báo lãi quý II cao nhất 8 năm, sớm cán đích kế hoạch lợi nhuận, dù doanh thu giảm sâu tới 30% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính bởi biên lợi nhuận gộp hồi phục mạnh. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhờ đó cũng đã cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cụ thể, trong quý II, Supe Lâm Thao ghi nhận doanh thu giảm 30% so với cùng kỳ, còn 605 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh với mức 42%, còn 430 tỷ đồng, công ty thu về 175 tỷ đồng lãi gộp, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lợi nhuận gộp quý II được cải thiện lên 28,86%, gấp đôi so với con số 14,5% cùng kỳ. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận gộp cao thứ hai của Supe Lâm Thao kể từ năm 2015 đến nay, chỉ đứng sau quý IV/2023.
Ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết việc tiêu thụ sản phẩm quý này chậm lại do sản lượng tiêu thụ giảm 70% so với cùng kỳ. Nguyên nhân bởi thị trường phân bón có nhiều biến động nên các nhà phân phối thận trọng trong việc dự trữ hàng. Trong khi đó, ban điều hành dự đoán tình hình giá nguyên liệu và mua được những lô nguyên liệu giá hợp lý như lưu huỳnh, kali... giúp tỷ trọng giá vốn trên doanh thu bán hàng giảm. Lợi nhuận gộp nhờ đó tăng mạnh.
Đến cuối quý II, tổng tài sản của Supe Lâm Thao đạt hơn 2.333 tỷ đồng. Các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn tăng hơn 100 tỷ đồng lên gần 840 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ trọng hàng tồn kho trong cơ cấu tài sản đến cuối quý II đạt 37%, gấp đôi thời điểm cuối quý I nhưng vẫn thấp hơn thời điểm đầu năm (44%) chủ yếu do giảm lượng tồn nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm. Công ty tiếp tục dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 26 tỷ đồng. Khoản dự phòng này đã được trích lập từ quý IV/2023.
Nguồn vốn của công ty chủ yếu đến từ vốn góp cổ đông (1.128 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Nợ phải trả chiếm khoảng 40% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay nợ kênh tín dụng là 263,5 tỷ đồng, tương đương 11,4% nguồn vốn của công ty.