Theo Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), 9 tháng đầu năm năm nay, tổng doanh thu ngành bưu chính đạt 27.400 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng bưu gửi đạt 890 triệu đơn, tăng 14%.
Còn theo dữ liệu của Google, Temasek và Bain & Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong giai đoạn 2020-2025, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Ông Lê Thanh Hoài, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SuperShip chia sẻ đôi điều về kế hoạch huy động vốn nhằm bổ sung nguồn lực tận dụng cơ hội từ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
SuperShip đã duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục trong các năm qua như thế nào và công ty đã bị ảnh hưởng như thế nào từ khi đại dịch xuất hiện?
Sau Shark Tank, SuperShip triển khai mở rộng mạng lưới giao hàng ra 63 tỉnh thành, thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Sự mở rộng mạng lưới giao hàng mạnh mẽ ra toàn quốc, kèm theo đó là sự quyết tâm trong khai thác thị trường đã giúp SuperShip đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, doanh thu cấp số lần 5 năm liên tiếp. Từ doanh thu đạt 7,4 tỷ đồng (2017), ba năm sau (2020) SuperShip đã đạt mức hơn 63 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần.
Bắt đầu từ tháng 3/2021, doanh số của SuperShip giảm trung bình mỗi tháng từ 5% đến 10%. Vì đơn hàng giảm, chi phí trung chuyển hàng hóa tăng, đến tháng 8/2021, SuperShip tạm ngừng hoạt động giao hàng liên tỉnh nội bộ để bảo vệ dòng tiền, nhiều bưu cục cũng phải tạm ngưng hoạt động.
Bằng rất nhiều sự nỗ lực, cố gắng hoạt động xuyên suốt dịch. Các khu vực bị giãn cách, SuperShip chuyển sang lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu và giao thiết bị y tế… Tháng 10/2021, SuperShip đã nhanh chóng phục hồi được 92,87% so với tháng 3 đầu năm.
Trong thời gian này, SuperShip cũng đã tối ưu được mô hình kinh doanh, trở thành đơn vị giao hàng duy nhất có kết nối khách hàng từ đa phần mềm đầu vào (quản lý bán hàng, website, livestream, chatbox…) với đa nhà vận chuyển đầu ra, trong đó vẫn lấy SuperShip là đơn vị giao hàng trọng tâm. Đa phần mềm đầu vào giúp SuperShip tiếp cận nhiều khách hàng hơn và đa đối tác đầu ra giúp SuperShip có nhiều phương án tối ưu về chi phí, chất lượng và thời gian. Đây là mô hình phát triển được đánh giá khá khôn ngoan với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
Hội nghị giám đốc SuperShip toàn quốc lần 3 - 2021 |
Với vòng gọi vốn này, SuperShip định giá bằng cách nào và nhà đầu tư sẽ được gì khi đầu tư vào SuperShip?
Bằng 4 phương pháp định giá khác nhau (quy mô tăng trưởng doanh thu, P/E bình quân, P/E mục tiêu, dòng tiền chiết khấu tăng trưởng kỳ vọng), mức định giá trung bình trước đầu tư của SuperShip là 100,3 tỷ đồng. Chúng tôi đã điều chỉnh giá trị trước khi đầu tư là 80 tỷ và triển khai gọi vốn 25 tỷ tương ứng 25% cổ phần theo 2 phương án.
Phương án thứ 1 là đầu tư cổ phần. Có hai điểm đặc biệt trong việc đầu tư dưới hình thức sở hữu cổ phần đó là nhà đầu tư được quyền mua Token của SuperShip ở giai đoạn mở bán nội bộ (private sale) và nhà đầu tư chiến lược được quyền chọn bán lại sau 3 năm với mức tăng trưởng giá trị cổ phần 20%/năm. Ngoài ra, nhà đầu tư vẫn được hưởng các quyền lợi thông thường khác như giá trị cổ phần tăng theo quy mô doanh số và lợi nhuận; cổ tức từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh...
Phương án thứ 2 là vay chuyển đổi (trái phiếu chuyển đổi) với lãi suất 12%/năm, chi trả vào tháng 1 hàng năm. Sau 3 năm được quyền chuyển đổi thành cổ phần với giá thấp hơn 15% giá thị trường hoặc hoàn 100% vốn.
“Chân dung” nhà đầu tư chiến lược mà ban lãnh đạo SuperShip mong muốn hợp tác trong đợt gọi vốn sắp tới là như thế nào?
Chúng tôi phân bổ 70% nguồn vốn cho các nhà đầu tư đến từ các đơn vị trong hệ sinh thái như phần mềm quản lý bán hàng, sàn thương mại điện, công ty logistics… và phần còn lại cho các nhà đầu tư tài chính như thông qua những nguồn giới thiệu nội bộ, nhà đầu tư cá nhân, ESOP…
Nhà đầu tư chiến lược là những nhà đầu tư, ngoài việc đầu tư nguồn vốn lớn, họ còn phải có hệ sinh thái có thể hỗ trợ cho SuperShip phát triển mạnh trong thời gian tới.
Bưu cục SuperShip Tân Bình, TP.HCM |
Đội ngũ SuperShip đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của công ty trong thời gian tới?
Thời gian diễn ra đại dịch năm 2020-2021 đã tác động mạnh tới thị trường thương mại điện tử. 81% người tiêu dùng nói rằng họ đã thay đổi thói quen mua sắm từ khi đại dịch bùng phát và 91% trong số đó khẳng định sẽ tiếp tục hành vi mới này trong tương lai, dù còn dịch bệnh hay không.
Năm 2022 là năm SuperShip bứt phá mạnh mẽ hơn nữa với chiến lược phủ nhanh và rộng cho “Điểm gửi hàng SuperShip”. Ngoài hơn 250 đối tác hiện có cùng triển khai, 500 điểm gửi hàng, thu gom hàng hóa trong thời gian ngắn sẽ sớm được hình thành. Cửa hàng thời trang, cửa hàng tạp hóa, đại lý vé máy bay, nhà phân phối… ở mặt tiền đường lớn, gần trung tâm chợ, khu mua sắm, chung cư… mọi nơi đều có thể trở thành điểm gửi hàng mang thương hiệu SuperShip. 500 điểm gửi hàng, thu gom hàng hóa này tương đương với 500 đại lý phát triển kinh doanh. Từ đó, doanh số của SuperShip chắc chắn sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới.
Sau khi tiến hành gọi vốn 25 tỷ thông qua hình thức nhà đầu tư, chúng tôi tiếp tục vòng gọi vốn bằng token hóa cổ phần. Nghĩa là, Token hóa - “Tokenize” một phần cổ phần (10%) của SuperShip trên sàn giao dịch tiền điện tử tương tự như cách các công ty truyền thống IPO. Đây là cách thu hút vốn đầu tư không biên giới, không giới hạn từ thị trường này đồng thời tạo thêm tính thanh khoản cho các nhà đầu tư hiện hữu.
Ngoài ra, SuperShip đang từng bước tiến tới kế hoạch nhượng quyền cấp quốc gia, triển khai mô hình kinh doanh nhượng quyền chuyển phát nhanh đến một số nước khu vực Đông Nam Á.
Sau 2 năm kể từ thời điểm nhận vốn đầu tư, SuperShip tham vọng mở rộng mạng lưới chuyển phát với hơn 700 bưu cục, đại lý thu gom và doanh số tăng trưởng gấp 3 lần hiện nay (đạt mốc hơn 173 tỷ đồng), cũng như có mặt ít nhất 2 nước ở Đông Nam Á... Với những gì mà SuperShip đã làm được trong thời gian qua, chúng tôi tin chắc chắn vào sự phát triển vượt bậc của công ty trong thời gian tới.