Chuyển đổi số - Kinh tế số
Tác động liên hoàn của thương mại điện tử
Hữu Tuấn - 22/07/2021 14:35
Mua hàng trực tuyến tăng trưởng kỷ lục trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã cho thấy sự thay đổi về chất trong thương mại điện tử.
Thương mại điện tử đã có bước phát triển đột phá trong thời Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Mua hàng online đạt kỷ lục

Sách trắng thương mại điện tử 2021 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa phát hành cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD. Tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến tăng cao kỷ lục.

Theo đó, năm 2020 tại Việt Nam có khoảng 49,3 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến và trở thành quốc gia có tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực. Tỷ lệ người sử dụng Internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 77% năm 2019, lên 88% vào năm 2020.

Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến gia tăng, giá trị mua sắm cũng tăng lên, đã đưa tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước lên con số 5,5%, so với 4,9% của năm 2019. Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng gia đình chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Số liệu điều tra cho thấy, 53% người dùng mua sắm thực phẩm online, chiếm tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là giày dép, quần áo mỹ phẩm với 43% và đồ dùng gia đình là 33%.

Cùng với đó, Sách trắng thương mại điện tử 2021 cũng cho biết, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%, là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực. Có tới 94% số người dùng mới này sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch. Đây chính là những nền tảng vững chắc cho TMĐT phát triển. 

Một điểm đáng chú ý là hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt, chuyển dịch từ mua sắm trực tiếp sang kênh mua sắm trực tuyến, chủ yếu trên các website, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cụ thể, năm 2020 có tới 74% người mua sắm trên kênh website, sàn giao dịch thương mại điện tử, trong khi mua trên diễn đàn và các mạng xã hội đạt 33%. Tỷ lệ này chênh đáng kể so với con số năm trước là 52% trên kênh thương mại điện tử và 57% trên mạng xã hội. Các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo thời gian qua cũng tăng cường các mặt hàng thực phẩm, hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu người dùng. Không chỉ mua hàng từ các website thương mại điện tử trong nước, tỷ lệ người dùng mua hàng từ các website nước ngoài cũng cao hơn, với 29%.

Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company nghiên cứu và công bố đã nhận xét, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, người dùng bắt đầu tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đột ngột phát sinh thông qua mạng Internet.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, thương mại điện tử đã phát triển ở Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng nó chỉ thực sự bùng nổ nhờ cú hích từ đại dịch Covid-19. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến người tiêu dùng nhận ra những ưu điểm của hình thức mua sắm trực tuyến, vừa tiện lợi lại đảm bảo an toàn, tránh việc phải đến nơi tập trung đông người. Hơn hết, hoạt động bán hàng trực tiếp bị ảnh hưởng hay gián đoạn vì dịch cũng đã thúc đẩy các đơn vị kinh doanh triển khai mạnh mẽ bán hàng đa kênh, trong đó kênh bán hàng online được ưa chuộng hơn cả.

Tác động lan tỏa

Bà Võ Thị Phương Mai,  Phó giám đốc  CBRE Việt Nam cho rằng, Covid-19 tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới.

Đối với ngành chuyển phát, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 đã tăng tới 47%. Trong đó, những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu phẩm gửi từ 30 đến 60%. Doanh thu toàn ngành bưu chính đạt hơn 35.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Đối với thanh toán điện tử, theo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), 5 tháng đầu năm 2021, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng tới 125% so với cùng kỳ năm 2020. Còn theo Visa, tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong quý I/2021 tăng 5,5 lần so với quý IV/2020…

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ: “Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi người dân mong muốn những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Đó là lý do vì sao, chúng ta thấy nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số và xu hướng này sẽ còn được duy trì”.

Có thể thấy, sự tăng trưởng, phát triển của thương mại điện tử và xu hướng mới của người tiêu dùng đang có tác động liên hoàn tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Xu hướng này buộc các doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược, quản trị, vận hành hoạt động kinh doanh của mình. Một thời kỳ mới về kinh tế số đã bắt đầu từ đây.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), giai đoạn 2020 - 2021, Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cả nước, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ở mức 18%.
Tin liên quan
Tin khác