Ngay khi làn sóng Covid đầu tiên xuất hiện, rất nhiều sản phẩm bảo hiểm Covid đã nhanh chóng ra đời. |
Bùng phát từ năm 2019, đại dịch Covid-19 nhanh chóng trở thành “nỗi ám ảnh” của hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Là một trong các trụ cột của hệ thống tài chính, thị trường bảo hiểm cũng không nằm ngoài vòng xoáy tác động đó.
Năm 2020, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ thế giới chứng kiến hàng loạt yêu cầu bồi thường liên quan đến tổn thất gián đoạn kinh doanh (Business Interruption - BI) gây ra bởi đại dịch Covid-19 và các vấn đề gián đoạn kinh doanh này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất tới tháng 4/2023.
JP Morgan - một trong những công ty dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới - nhận định, các nhà tái bảo hiểm châu Âu và các công ty thuộc Lloyd’s là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19. Tỷ lệ dự phòng bồi thường chưa thông báo (Incurred but not reported - IBNR) của các công ty trong nhóm này đạt ngưỡng 50% sau hai năm (tỷ lệ trung bình là 30% hoặc thấp hơn) do ảnh hưởng bởi bồi thường Covid-19. Phân theo cơ cấu loại hình, các nghiệp vụ thuộc nhóm bảo hiểm phi hàng hải (trừ xe cơ giới) chịu thiệt hại nặng nề nhất với tổng số tiền yêu cầu bồi thường lên đến 35 tỷ USD và chắc chắn, đây chưa phải là con số cuối cùng.
Không chỉ ở nhóm sản phẩm bảo hiểm truyền thống, Covid-19 cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các nhóm sản phẩm mới theo dạng “ăn theo mùa dịch”. Ngay khi làn sóng Covid đầu tiên xuất hiện, rất nhiều sản phẩm bảo hiểm Covid đã nhanh chóng ra đời đánh vào tâm lý và nhu cầu cấp thiết ngay lúc đó của người dân, tuy vậy, tại thời điểm này, yêu cầu bồi thường Covid chưa nhiều do Chính phủ các nước vẫn chủ trương theo đuổi chính sách “Zero Covid” bằng các biện pháp phong tỏa, đóng cửa một phần hay toàn bộ thành phố nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm tràn lan.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các “siêu biến thể” với khả năng lây nhiễm vượt trội là Delta và Omicron, cộng với việc nền kinh tế đang dần kiệt quệ do các lệnh phong tỏa, đã làm thay đổi sâu sắc quan điểm chống dịch của hầu hết các quốc gia. Từ việc theo đuổi “Zero Covid”, Chính phủ các nước tập trung vào tiêm chủng để giảm bớt nguy cơ tử vong và hướng tới “miễn dịch cộng đồng”. Một loạt các biện pháp nới lỏng được thực hiện để cứu nền kinh tế, kéo theo số ca nhiễm tăng vọt và các khiếu nại do Covid đổ về các công ty bảo hiểm theo cấp số nhân mỗi ngày.
Điển hình ở Châu Á, thị trường bảo hiểm Đài Loan (Trung Quốc) ước tính phải đối mặt với số tiền bồi thường lên tới 41 tỷ Đài tệ (khoảng 1,39 tỷ USD), trong bối cảnh các trường hợp nhiễm Covid-19 tại đây vẫn đang gia tăng thì số tiền thực tế có thể gấp 2,5 lần con số ước tính này.
Tại thị trường Thái Lan, có ít nhất bốn công ty bảo hiểm đã phá sản sau khi chịu lỗ từ việc bán hợp đồng bảo hiểm Covid-19 giá rẻ và một công ty buộc phải tìm cách tăng vốn để hoạt động trở lại, làm dấy lên những quan ngại về hiệu ứng domino có thể đè nặng lên ngành bảo hiểm phi nhân thọ của nước này. Tổng số khiếu nại liên quan đến Covid-19 của toàn ngành bảo hiểm Thái Lan ước tính 140 tỷ Bath, tương đương khoảng 3,9 tỷ USD (theo Hiệp hội Bảo hiểm Thái Lan), trong khi phí bảo hiểm thu về chỉ bằng khoảng 21% số tiền bồi thường được chi trả. Đứng trước số lượng lớn yêu cầu bồi thường, các công ty bảo hiểm vừa và nhỏ Thái Lan đã đồng loạt ngừng bán bảo hiểm Covid-19 từ tháng 6/2021 nhưng việc chi trả bồi thường sẽ còn tiếp tục ít nhất đến cuối năm 2022.
Thị trường Việt Nam không chịu nhiều tổn thất do Covid-19 ở các nhóm sản phẩm truyền thống. Về sản phẩm mới, số liệu bồi thường của riêng mảng bảo hiểm sức khỏe - con người có mở rộng cho rủi ro Covid hiện đang tiếp tục được thống kê và chưa có con số chính thức. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, có khoảng hai trong 6 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất trên thị trường đang vấp phải làn sóng phản ứng tiêu cực về việc chi trả quyền lợi của các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến Covid mà họ đã triển khai.
Thực tế cho thấy, phát triển bảo hiểm Covid không phải là hướng đi sai khi đại dịch vẫn tiếp diễn và nhu cầu mua bảo hiểm của người dân còn rất lớn. Tuy nhiên, việc thiếu cẩn trọng trong quá trình xây dựng sản phẩm, vội vàng khi triển khai bán hàng của các công ty bảo hiểm, đã dẫn đến tình trạng sụp đổ của sản phẩm bảo hiểm và bản thân công ty bảo hiểm. Lượng phí thu về không đủ để bù cho chi phí và bồi thường, dễ dàng bị trục lợi bảo hiểm dẫn tới tỷ lệ bồi thường của mảng bảo hiểm này đang ở mức đáng báo động. Bên cạnh đó, dưới áp lực giải quyết số lượng yêu cầu bồi thường khổng lồ, việc chậm giải quyết hồ sơ và chi trả bồi thường, thậm chí, sẵn sàng từ chối bồi thường với những lý do chưa hợp lý dẫn đến nhiều vụ kiện tụng, giảm niềm tin của khách hàng vào sản phẩm bảo hiểm, khiến cho việc mở rộng hoạt động bán hàng gặp rất nhiều khó khăn.
Đại dịch Covid-19 không chỉ là “nguy” mà còn là “cơ” đối với thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, do tính chất còn rất mới mẻ trên thị trường, việc xây dựng, triển khai các sản phẩm bảo hiểm dành cho số đông mang tính đặc thù như bảo hiểm Covid cần có những bước đi chắc chắn. Với những sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 trong tương lai, các công ty bảo hiểm cần rất thận trọng trong việc định phí, khai thác và cung cấp các dịch vụ sau bán hàng. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cũng rất cần sử dụng công cụ tái bảo hiểm để chuyển giao một phần rủi ro, hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực lên tình hình tài chính khi có những thay đổi nằm ngoài tầm kiểm soát.