Theo bà Lê Thị Nga, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng không thể không đề cập đến vai trò của Bảo hiểm tiền gửi. Thực tế, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 cũng đã quy định, bảo hiểm tiền gửi ngoài bảo vệ quyền và lợi ích người gửi tiền còn có trách nhiệm tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tham gia quản lý, thanh lý tài sản của ổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi...
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, Bảo hiểm tiền gửi cũng đóng vai trò quan trọng trong phá sản, thanh lý, tái cấu trúc các ngân hàng thương mại, điển hình là FDIC - Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi của Mỹ- đóng vai trò chính trong giám sát, dàn xếp quá trình phá sản, thanh lý, tái cấu trúc ngân hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi chưa thực hiện được vai trò này.
"Chúng tôi đề nghị, không thể không đặt ra trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu ngân hàng cũng như mua ngân hàng với giá 0 đồng. Chúng tôi cũng muốn biết thông tin, từ khi có Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 đến nay, Bảo hiểm tiền gửi đã làm được những gì, kết quả có tương xứng với ngân sách nhà nước cấp cho bảo hiểm tiền gửi hay không", bà Lê Thị Nga chất vấn.
Được biết, vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi là do ngân sách nhà nước cấp và cơ quan này cũng được phép sử dụng để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu ngân hàng và gửi tiền tại NHNN. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình thu, chi cũng như đóng góp của Bảo hiểm tiền gửi với an toàn của hệ thống ngân hàng rất ít khi được nhắc đến.
"Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng như thế nào? Theo tôi, cần có báo cáo với Quốc hội từ khi hoạt động theo Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đến nay, chúng ta đã chi bao nhiêu tiền cho Bảo hiểm tiền gửi, số tiền đó được sử dụng như thế nào, có đáp ứng được các yêu cầu mà Quốc hội quy định hay không?", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mua lại cổ phần ngân hàng yếu với giá 0 đồng là một sáng tạo của Việt Nam, phù hợp với tình hình hiện tại, nhất là trong bối cảnh Bảo hiểm tiền gửi có vai trò yếu ớt yiện nay. Tuy nhiên, không nên lạm dụng giải pháp này vì sẽ xảy ra tình trạng NHNN vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Trong tương lai, NHNN nên xem xét cho ngân hàng yếu kém lựa chọn phương án phá sản theo Luật phá sản đã được Quốc hội thông qua năm 2014. Dĩ nhiên, để làm được điều này, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi.