“Cuộc đua” hướng đến phát triển bền vững
Trong “cuộc đua” hướng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, việc tích hợp các nguyên tắc ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) vào chiến lược và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp được xem là “cánh cửa” cho sự phát triển trong tương lai…
Nếu như vài năm trước đây, các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển bền vững thì thời điểm hiện tại, ESG đã trở thành câu chuyện sát sườn và trở nên tất yếu trong chiến lược kinh doanh của họ. Theo đó, mỗi doanh nghiệp đều có những sáng kiến trong các lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị.
Trong đó, việc giảm thiểu tác động đến môi trường là một bài toán khó, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Tại phiên thảo luận "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững" của Diễn đàn Doanh nhân Nữ 2023, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho rằng, doanh nghiệp cần phải dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nguyên vật liệu và sản phẩm, bán ra thị trường và thải rác ra môi trường) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (sản xuất, tiêu dùng và tái chế nhằm tăng vòng đời của nguyên liệu và sản phẩm).
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đã và đang bắt đầu đề ra mục tiêu ESG nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện. Điển hình như Tập đoàn PAN, họ tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường. Ví dụ, phụ phẩm cá tra dùng để chiết xuất dầu và làm thức ăn chăn nuôi, nước thải từ nhà máy được xử lý và tái sử dụng tại chỗ.
Vỏ và đầu tôm được dùng để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế. |
Hay như vỏ và đầu tôm được dùng để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế. Vỏ hạt điều của Lafooco vừa được tái sử dụng làm nguyên liệu đốt lò sấy, vừa được ép lấy tinh dầu để làm chất đốt và làm chất tạo màng để sản xuất sơn tàu biển hay các loại vật liệu ép, chịu nhiệt.
Thậm chí, bã mắm được tái sử dụng làm phân bón. Phụ phẩm từ nhà máy gạo như vỏ trấu cũng được tái sử dụng tại chỗ làm chất đốt lò sấy, tấm và cám gạo được bán cho các đơn vị làm thực phẩm, nấu cồn.
Ngay cả phụ phẩm sản xuất bánh kẹo cũng được tái sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, bao bì được thiết kế để người dùng có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đồ dùng trong nhà, đồ chơi trẻ em...
Ngoài ra, toàn bộ nước thải, khí thải từ các nhà máy và cơ sở sản xuất của PAN đều được xử lý để hoặc tái sử dụng tại chỗ, hoặc trở lại an toàn với môi trường.
“Kinh tế tuần hoàn không phải là điều gì xa xỉ mà thực tế đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho chính chúng ta hàng ngày.”, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN khẳng định.
Như vậy, phát triển bền vững cần có sự gắn bó mật thiết với ESG, tất cả các doanh nghiệp dù ở quy mô nào trong lĩnh vực nào đều có cơ hội vị thế tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay.
Tăng tốc để nắm bắt cơ hội
Để không bị bỏ lại phía sau, nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu “lên dây cót" trong hành trình hướng đến phát triển nền kinh tế xanh và bền vững.
Cũng tại phiên thảo luận "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững" của Diễn đàn Doanh nhân Nữ 2023, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học & Công nghệ cho biết, thời gian qua, các địa phương đã tập trung mạnh mẽ trong việc thay đổi tư duy chiến lược thu hút đầu tư của mình, nhiều địa phương nói không với dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kể cả dự án quy mô lớn.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong công tác quy hoạch quán triệt đưa mục tiêu tăng trưởng xanh vào các quy hoạch.
“Các tổ chức, cá nhân nhất là doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của ESG. Đồng thời, tăng cường quan hệ, tiếp cận các nguồn tài chính bền vững để mở rộng quy mô, thị trường, phát triển mạnh mẽ hơn, đồng hành và đóng góp cho kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững.”, TS. Nguyễn Hữu Xuyên nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính ở những nước sản xuất. Do đó, cần thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế xanh để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư.
Như vậy, trong bối cảnh tăng trưởng xanh là xu thế được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự sẵn sàng để thu hút nguồn lực này thông qua chuẩn bị danh mục các dự án tiềm năng, khung khổ pháp lý hoàn thiện để có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.