Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa hết công suất được cho cơ quan khác sử dụng và được thu một khoản kinh phí. Tại sao lại quy định như vậy, thưa ông?
Phải hiểu cho đúng là hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất, cơ quan nhà nước chỉ được cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng chung, chứ không được cho các cơ quan khác sử dụng chung. Tài sản phải sử dụng đúng công năng, chỉ được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản, chứ không phải là cho thuê tài sản.
. |
Khi xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan nhà nước sử dụng tài sản, trong đó có hội trường, phòng làm việc, ô tô không hết sao không thu hồi, điều chuyển, bán đấu giá, mà lại cho cơ quan nhà nước khác sử dụng chung. Tuy nhiên, trong thực tế, việc sử dụng tài sản có những trường hợp không sử dụng hết công suất, nhưng không thể thu hồi được, ví dụ như hội trường, ô tô không phải ngày nào cũng sử dụng, hay do thay đổi tổ chức, bộ máy, biên chế của cơ quan nhà nước, dẫn đến một số phòng làm việc có thể bị thừa ra, nhưng cũng không thể thu hồi, vì vậy, cần phải cho cơ quan khác sử dụng chung. Vì không sử dụng tài sản vẫn khấu hao, Nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra để duy tu, bảo dưỡng, trong khi nhiều cơ quan khác đang bị thiếu vẫn phải đi thuê, dẫn tới lãng phí trong sử dụng tài sản công.
Tức là, chỉ có tài sản chưa sử dụng hết công suất mới được cho một số đối tượng sử dụng chung. Còn tài sản được bố trí vượt định mức, tiêu chuẩn, dứt khoát phải thu hồi. Thưa ông, ai có thẩm quyền thu hồi tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức?
Không chỉ tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức, sử dụng sai mục đích mới phải thu hồi, mà cả trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng; cơ quan nhà nước được giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế cũng phải thu hồi tài sản cũ.
Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công dự kiến sẽ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi đối với trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý; tài sản khác phải thu hồi nhưng các bộ, cơ quan trung ương không thu hồi; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý phải thu hồi, nhưng địa phương không thu hồi. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định thu hồi tài sản thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp phát hiện tài sản công do cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ, thì chủ tịch UBND cấp tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định thu hồi.
Một trong những cách xử lý tài sản công sau khi thu hồi là đem bán. Thưa ông, bán tài sản công sẽ được thực hiện thế nào?
Thủ tướng Chính phủ quyết định bán trụ sở làm việc, bao gồm cả quyền sử dụng đất có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100 tỷ đồng trở lên của cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý; mức dưới 100 tỷ đồng sẽ giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bán. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp bán tài sản công còn lại của các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý. HĐND cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trong đó bán trụ sở làm việc, bao gồm cả quyền sử dụng đất được phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Tài sản công được bán theo hình thức đấu giá, bán chỉ định khi bán đấu giá không thành. Tài sản công có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 triệu đồng và giá trị đánh giá lại từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng được bán theo hình thức niêm yết giá, dưới 10 triệu đồng được bán theo hình thức chỉ định. Không bán trụ sở làm việc và xe ô tô theo hình thức niêm yết hay chỉ định.
Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội rất quan tâm là khoán kinh phí sử dụng tài sản công. Thưa ông, nội dung này sẽ được quy định thế nào?
Không chỉ đại biểu Quốc hội, mà người dân cũng rất quan tâm tới nội dung khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước. Có ý kiến đề nghị luật hóa đối tượng được khoán, phương thức khoán xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, hay khoán cả xe đưa đón đi họp hành, làm việc trong nội thành, thậm chí khoán cả xe đưa đón đi công tác địa phương với đối tượng có đủ tiêu chuẩn, định mức.
Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, vì khoán kinh phí không chỉ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, giá cả thị trường, mà mỗi vùng, địa phương có đặc điểm riêng. Chính vì vậy, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, phương pháp xác định mức khoán và việc thanh toán kinh phí khoán sử dụng tài sản công.
Cụ thể, việc khoán kinh phí sẽ tiến hành ra sao, thưa ông?
Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản công được thực hiện theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện. Đối tượng khoán (chức danh có đủ tiêu chuẩn sử dụng tài sản công) cụ thể sẽ do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh xác định. Đối với khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được áp dụng với xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung, kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với chi trả thu nhập hàng tháng. Riêng kinh phí khoán trong trường hợp đi công tác ngoài phạm vi cấp tỉnh được thanh toán cho người nhận khoán cùng với thanh toán công tác phí.
Việc khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ chỉ được thực hiện khi Nhà nước không có nhà để bố trí theo quy định. Mức khoán kinh phí được xác định theo giá thuê phổ biến trên thị trường, kinh phí khoán được thanh toán cho đối tượng nhận khoán cùng với chi trả thu nhập hàng tháng.