Mặc dù miền Bắc đang chứng kiến thời tiết mưa nhiều, nền nhiệt độ thấp nhưng với thực tế mùa nắng nóng đang bước dần vào cao điểm, cộng thêm mùa mưa bão cận kề, vấn đề đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn đang được ngành điện dành nhiều tâm sức.
Trước thực tế này, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc mùa hè năm 2022, với sự tham dự của đại diện Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng công ty Điện lực miền Bắc - đơn vị quản lý việc cấp điện cho 27 tỉnh thành phía Bắc, tính từ Hà Tĩnh trở ra và chuyên gia về năng lượng và tăng trưởng xanh.
Các diễn giả tham gia Hội thảo sáng 28/5 tại Báo Đầu tư |
Các diễn giả tham gia Hội thảo:
+ Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục Trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương
+ Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam
+ Ông Lê Văn Trang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc
+ Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh
Chương trình được phát trực tiếp trên Báo điện tử Đầu tư, fanpage của Báo Đầu tư và các nền tảng khác, từ 9h00 ngày 28/5/2022.
Nhu cầu bật tăng mạnh
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, các năm từ 2019 trở về trước, do chưa bị ảnh bởi dịch bệnh COVID, Tổng công ty vẫn đảm bảo cung ứng điện liên tục và kịp thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Cũng trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của miền Bắc luôn đạt cao nhất trong các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, năm 2017 tăng trưởng 12,11%; năm 2018 tăng trưởng 12,09% và năm 2019 tăng trưởng 9,11%. Trong năm 2020 - 2021 dù bị ảnh hưởng bởi COVID 19 nhưng EVNNPC vẫn giữ được mức tăng trưởng điện thương phẩm tương đối tốt với 6,76% trong năm 2020 và 9,31% trong năm 2021.
Với thực tế năm 2022, dịch bệnh dần được khống chế, tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC được dự kiến là khoảng 9%.
Với tình hình này, công suất đỉnh (Pmax) vào mùa hè ở miền Bắc (không kể Hà Nội) có thể đạt 16.950 MW, tức là tăng khoảng 15% so với năm 2021.
Nhu cầu tăng cao nhưng các nguồn điện mới tại miền Bắc đưa vào hệ thống chưa được nhiều, do đó trong những ngày nắng nóng cực đoan, có thể tại một số thời điểm, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh.
Đây là vấn đề đã được EVN cũng như EVNNPC dự báo trước và đang nỗ lực triển khai nhiều phương án, đảm vận hành lưới điện an toàn, ổn định để đảm bảo cung ứng điện cho mùa hè năm 2022.
Tiết kiệm vẫn là giải pháp hàng đầu
Nhìn rộng ra cả nước, hiện công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đã lên tới hơn 76.600 MW nhưng bởi nhiều bất cập trong làn sóng đầu tư ồ ạt vào đầu tư năng lượng tái tạo thời gian qua đã khiến có những thời điểm vẫn diễn ra câu chuyện “nguồn lớn mà vẫn thiếu điện”.
Dù công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đứng đầu ASEAN với 17.000 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió nhưng việc không có các hệ thống lưu trữ tương ứng đang khiến cho quá trình khai thác nguồn năng lượng này phụ thuộc lớn vào thời tiết.
Thực tế phát điện trong hơn 1 năm qua trên hệ thống cho thấy, tại Việt Nam, thời điểm phát tốt nhất của điện gió đang rơi vào các tháng 11, 12 và tháng 1,2. Còn những tháng phát thấp nhất lại là các tháng nóng (từ tháng 4 đến tháng 6).
Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW, tức là đạt 50% tổng công suất điện gió đang hiện diện trong hệ thống điện.
Thậm chí ngày 19/3/2022, hệ thống dù có công suất đặt tới 3.980 MW điện gió nhưng chỉ vỏn vẹn 15 MW phát được điện.
Tình trạng với điện mặt trời cũng vậy khi chỉ huy động ban ngày với thời gian chủ yếu từ 8h sáng đến 15-16h.
Thách thức "nguồn nhiều mà vẫn lo thiếu điện" khiến câu chuyện sử dụng điện tiết kiệm và điều chỉnh phụ tải hợp lý vẫn được đề cao, thậm chí trở thành những giải pháp chính với miền Bắc trong quá trình cấp điện.
Về phía mình, EVN cũng đang đẩy nhanh kết nối, tăng năng lực truyền tải để mua thêm 130 MW từ Lào, khoảng 500 MW điện từ Trung Quốc nếu cần; tăng nguồn nhiên liệu dự phòng các cho nhà máy điện than, dầu... Đồng thời, các công ty điện lực cũng làm việc với 18.000 doanh nghiệp, khách hàng lớn hiện đang có máy phát điện diesel, công suất khoảng 7.000 MW, để huy động trong trường hợp cần thiết, đảm bảo nguồn điện tại chỗ.
Dẫu vậy thì việc chậm đầu tư các nguồn mới và lớn ở miền Bắc như thời gian qua trong khi số lượng các nhà đầu tư đến khu vực này để tìm cơ hội sản xuất, kinh doanh vẫn tăng mạnh, đồng nghĩa với nhu cầu điện cũng tăng cao, tiếp tục tạo ra những áp lực lớn cho việc cấp điện về lâu dài.
Điều này sẽ tiếp tục làm căng thẳng tình trạng cấp điện ở miền Bắc trong một số thời gian cao điểm, nắng nóng kéo dài.