Tài chính - Chứng khoán
Tạm khấu trừ thuế tiền trợ cấp mất việc là chưa nhân văn
Mạnh Bôn - 04/06/2023 09:34
Số lượng công nhân mất việc ngày càng gia tăng do doanh nghiệp gặp khó khăn, không ký được đơn hàng mới. Khi bị mất việc, họ sẽ được hưởng trợ cấp một khoản tiền.

“Vì tính nhân văn, không nên tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với trường hợp này”, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).

Dù muốn hay không, cũng phải thừa nhận rằng, chưa khi nào tình trạng thất nghiệp, mất việc lại căng thẳng như bây giờ, thưa ông?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến đầu tháng 5/2023 (chưa tính trường hợp Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cắt giảm hàng ngàn lao động trong tháng 5 và tháng 6), số lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động ngành công nghiệp giảm ở cả 3 khu vực (doanh nghiệp nhà nước giảm 1,8%; ngoài nhà nước giảm gần 3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm khoảng 6%). Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - thu hút nhiều lao động nhất - giảm trên 5% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải sa thải người lao động là hoạt động sản xuất gặp khó khăn do không có đơn hàng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%, thay vì tăng trên 8% như cùng kỳ năm 2022. Có thể nói, sản xuất công nghiệp hiện còn khó khăn hơn thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19, bởi Chỉ số Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 10% và năm 2020 tăng 1,7%, còn trước đó, đều tăng trên dưới 10%.

Bị mất việc, mất thu nhập thường xuyên khiến công nhân rơi vào hoàn cảnh cơ cực, nhưng họ vẫn bị tạm khấu trừ thuế TNCN cho phần thu nhập từ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, như trường hợp của công nhân Công ty PouYuen chẳng hạn?

Luật Thuế TNCN quy định rõ, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công; các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp; đồng thời loại trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo các quy định của pháp luật, trong đó khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế TNCN cũng quy định, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Đây là quy định rất nhân văn, vì người lao động đã bị mất việc, thu nhập thường xuyên hàng tháng bị mất, hoặc ít nhất cũng bị gián đoạn một thời gian và sau này dù có tìm được việc làm mới cũng khó có thể có được mức thu nhập như cũ, mà lại khấu trừ tiền thuế TNCN từ khoản thu nhập trợ cấp mất việc, thôi việc là không hợp tình, không hợp lý.

Nhưng thực tế thì người lao động ở PouYuen vẫn bị khấu trừ thuế TNCN từ khoản trợ cấp mất việc, thôi việc?

Việc khấu trừ chỉ là tạm, hết năm, khi quyết toán, chắc chắn tuyệt đại đa số người lao động bị tạm khấu trừ thuế TNCN sẽ được hoàn lại. Vì công nhân mất việc từ tháng 3, tháng 4, trong những tháng còn lại không thể tìm được việc làm mới, hoặc nếu tìm được cũng giảm thu nhập, trong khi thuế TNCN là tính thu nhập cả năm. Khi nhận tiền trợ cấp mất việc, thôi việc, công nhân nhận được một khoản “kha khá”, nhưng dăm bảy tháng sau không kiếm được việc làm hoặc có thu nhập bấp bênh, thì cả năm cộng lại cũng chưa đến mức phải nộp thuế, hoặc nếu có cũng nộp rất ít, nên sẽ được hoàn lại.

Mặc dù vậy, theo tôi, cũng không nên tạm khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ mất việc, thất nghiệp, thôi việc.

Căn cứ quy định của pháp luật, thì việc tạm khấu trừ thuế TNCN cũng không sai?

Luật Thuế TNCN loại trừ khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động vào thu nhập chịu thuế. Trong khi đó, Bộ luật Lao động quy định, khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương. Doanh nghiệp trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cứ mỗi năm làm việc trả một tháng tiền lương.

Như vậy, kế toán Công ty PouYuen tạm khấu trừ không sai, vì Công ty PouYuen chi trả cho người lao động vượt mức quy định trên.

Phải khẳng định rằng, việc PouYuen trả cho người lao động bị mất việc vượt quy định là rất nhân văn, cần phải nhân rộng, vì thể hiện sự chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp với người lao động. Nhưng cách tạm khấu trừ thuế TNCN lại máy móc, cũng một phần do quy định của luật “quá rõ ràng”.

Đáng ra phải quy định, khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp trả trợ cấp mỗi năm làm việc tối thiểu 0,5 tháng tiền lương; trả trợ cấp mất việc mỗi năm làm việc tối thiểu một tháng tiền lương. Quy định vậy mới bảo vệ được người lao động chẳng may mất việc và cũng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện “nghĩa cử cuối cùng” với người lao động.

Thực tế là nhiều người lao động mất việc ở PouYuen đã bị khấu trừ thuế TNCN. Ông có lời khuyên nào với họ?

Được biết, trung bình người lao động mất việc ở PouYuen nhận được 116 triệu đồng, có người nhận được 450 triệu đồng trợ cấp mất việc, thôi việc.

Theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 132 triệu đồng/năm, mỗi người phụ thuộc là 52,8 triệu đồng/năm. Người công nhân “ráo mồ hôi là hết tiền”, bố mẹ của tuyệt đại đa số trong số họ cũng là những người “chân lấm tay bùn”, già cả, không có thu nhập, nên họ tính vào người phụ thuộc cũng không vi phạm pháp luật. Nếu mỗi người có 3 - 4 người phụ thuộc, thì tổng thu nhập năm 2023 trên 300 triệu đồng (kể cả tiền trợ cấp mất việc, thôi việc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN, nên cuối năm khi quyết toán, sẽ được hoàn lại tiền thuế đã khấu trừ.

Tin liên quan
Tin khác