Phà Châu Giang nối thị xã Tân Châu với TP. Châu Đốc. |
Hồi kết
Sau hơn một năm đàm phán không đem lại kết quả như mong đợi, Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc (Dự án BOT cầu Châu Đốc) đã chính thức đi hết hồi kết.
Cụ thể, tại Quyết định số 424/QĐ - BGTVT, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã hủy kết quả chỉ định nhà đầu tư Dự án BOT cầu Châu Đốc tại Quyết định số 1722/QĐ-BGTVT ngày 16/6/2017 với Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620, do không thành công trong quá trình thương thảo ký Hợp đồng BOT.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 7 (PMU 7), trong vai trò đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tổ chức thông báo và đăng kết quả trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo các quy định hiện hành và phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục có liên quan đến việc dừng đàm phán, thương thảo hợp đồng tuân thủ quy định hiện hành.
Dự án BOT cầu Châu Đốc được khởi động từ cách đây 5 năm, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng công trình nhằm thay thế phà Châu Đốc trên tuyến N1 kết nối TP. Châu Đốc và thị xã Tân Châu.
Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và trải qua công tác đấu thầu, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 được Bộ GTVT chọn là nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành công trình này vào năm 2018.
Tuy nhiên, trong khi đàm phán các chi tiết của Hợp đồng BOT đã xảy ra các sự kiện bất khả kháng do một số quy định pháp luật mới ban hành, khiến tổng mức đầu tư và phương án tài chính của Dự án bị thay đổi, trong đó có Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý; Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư...
Kết quả rà soát của nhà đầu tư và PMU 7 cho thấy, mặc dù tổng mức đầu tư sau khi rà soát có điều chỉnh giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu, từ 900 tỷ đồng xuống còn 820 tỷ đồng do cập nhật đơn giá, nhiên liệu, dự phòng… nhưng do có biến động về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo ban đầu, nên Dự án vẫn không đảm bảo hoàn vốn, không đủ cơ sở để vay ngân hàng thương mại.
Để đảm bảo tính khả thi tài chính, nhà đầu tư đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án khoảng 190 tỷ đồng (trong đó có 80 tỷ đồng đã được UBND tỉnh An Giang đồng ý hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng, cần bổ sung 110 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng).
Điều đáng nói là do Dự án không nằm trong tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và cũng nằm ngoài danh mục ưu tiên đầu tư nên Bộ GTVT không có cách gì để xoay 110 tỷ đồng để giải cứu công trình.
Có thể hồi sinh
Trong bối cảnh nút thắt tài chính không thể xử lý đã khiến các cuộc đàm phán giữa Bộ GTVT và Liên danh nhà đầu tư không thành công. Trên cơ sở kiến nghị của Liên danh nhà đầu tư, vào tháng 2/2020, Bộ GTVT đã đồng ý chấm dứt công tác thỏa thuận đàm phán ký kết hợp đồng.
Theo Nghị định số 30/2015/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, trong trường hợp đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy kết quả đấu thầu và mời nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo vào đàm phán.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc PMU 7 cho biết, đối với trường hợp Dự án BOT cầu Châu Đốc, việc mời nhà đầu tư tiếp theo vào đàm phán hợp đồng là không thể thực hiện được, do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 là ứng thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.
Đại diện PMU 7 cho biết, mặc dù đã có quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhưng Dự án vẫn có thể được hồi sinh trên cơ sở thay đổi phương án thu phí và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, trong quá trình đàm phán hợp đồng, Sở GTVT tỉnh An Giang có đề xuất thêm phương án tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện gắn máy 2 bánh qua cầu để có nguồn thu bổ sung cho Dự án (ước tính theo doanh thu hiện nay khoảng 19 tỷ đồng/năm).
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT, việc thu phí sử dụng đường bộ của xe gắn máy hai bánh không nằm trong nhóm các đối tượng phải thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đầu tư theo hình thức PPP do Bộ GTVT quản lý. Vào tháng 9/2019, UBND tỉnh An Giang cũng đã có văn bản đồng ý tiếp nhận Dự án và sẽ thực hiện vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Liên quan đến việc xử lý các chi phí do nhà đầu tư đã bỏ ra để triển khai Dự án (chi phí lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi và một số chi phí khác), PMU 7 cho biết, sẽ thực hiện đúng theo thỏa thuận được lập vào tháng 7/2015 giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư đề xuất dự án (cũng là nhà đầu tư được lựa chọn) trong trường hợp không thể triển khai công trình do những nguyên nhân khách quan.