Sáng 6/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào dự Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Sau bài phát biểu khai mạc của hai Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào, đã thay mặt Ủy ban Hợp tác song phương hai nước báo cáo kết quả hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua.
“Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của hai Chính phủ, sự chủ động phối hợp và tích cực triển khai của các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2011-2020, các Hiệp định hợp tác 05 năm giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 và Thỏa thuận hợp tác 2020 đã đạt mục tiêu đề ra, góp phần vào sự ổn định và phát triển của mỗi nước, tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đạt kết quả đáng ghi nhận
Bên cạnh những thành quả quan trọng trong hợp tác về chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt - Lào đã được quan tâm, thúc đẩy, và thu được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Trong đó, một trong những điểm nhấn quan trọng, là theo đề nghị của Thủ tướng Thoong lun, Việt Nam đã thành lập tổ công tác hỗ trợ về kinh tế vĩ mô sang giúp Lào tư vấn về giữ vững ổn định vĩ mô, cải thiện chính sách tài khóa, tiền tệ... Hai bên đã phối hợp hoàn thành báo cáo cuối cùng để trình hai Thủ tướng hai nước.
Cùng với đó, hợp tác đầu tư đã được đẩy mạnh. Cụ thể, đầu tư từ Việt Nam sang Lào hiện đạt khoảng 4,2 tỷ USD, với 413 dự án, tăng khoảng 35% so với năm 2010 (248 dự án; 3,1 tỷ USD). Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 (sau Trung Quốc và Thái Lan) về đầu tư lớn tại Lào.
“Đặc biệt, sau thời gian bị chững lại, trong năm 2020, đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã có bước tiến đáng ghi nhận”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Cụ thể, trong 11 tháng, có 8 dự án được cấp mới và điều chỉnh lũy kế, với 88,73 triệu USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2019 (62 triệu USD). Trong đó, đáng chú ý có Dự án Tổ hợp trang trại bò sữa, bò thịt công nghệ cao của Vinamilk (điều chỉnh tăng vốn từ 25,4 triệu USD lên s66,4 triệu USD); Dự án khai thác, chế biến Bô-xít và xây dựng nhà máy chế biến Alumina xuất khẩu của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, vốn đầu tư 20 triệu USD.
Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động đạt kết quả tốt, như Thủy điện Xê ka Mản 1, Khách sạn Mường Thanh -Viêng Chăn, Dự án của Tập đoàn Viettel...
“Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp hàng trăm triệu USD cho ngân sách nhà nước Lào. Điển hình là Liên doanh Unitel Lào đóng góp lũy kế đến nay khoảng 700 triệu USD,...; Ngân hàng liên doanh Lào - Việt đóng góp lũy kế đến nay khoảng 40 triệu USD; riêng Dự án Xê-ca-mản 1 nộp ngân sách cho Chính phủ Lào dự kiến năm 2020 là 8,56 triệu USD; lũy kế từ 28/8/2016 đến 31/12/2020 ước đạt 30,856 triệu USD...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồ hởi cho biết.
Ở góc độ hợp tác thương mại, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 9 tháng năm 2020 kim ngạch thương mại đạt 750 triệu USD, giảm nhẹ 10% so với cùng kỳ, và đang hướng tới con số 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các hợp tác về mua bán điện cũng đã đáp ứng yêu cầu lớn của Lào. Các hợp tác về giao thông - vận tải cũng tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Hiện nay, hai bên đã và đang phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm gồm: tuyến đường cao tốc nối Hà Nội - Viêng Chăn, tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Thà Kẹt - Viêng Chăn (tuyến này đã ký kết Thỏa thuận về xây dựng và khai thác - PV) và các dự án kết nối giao thông quan trọng khác...
Tuy vẫn còn những vướng mắc, liên quan đến các dự án trọng điểm, như Cảng Vũng Áng, Thủy điện Luông-pha-bang, Sân bay Noong-khạng…, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn khẳng định, hợp tác hai bên là tích cực.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Việt Nam cũng rất tích cực trong thực hiện các chương trình viện trợ không hoàn lại cho Lào. Cụ thể, viện trợ không hoàn lại năm 2020 của Việt Nam cho Lào là 930 tỷ đồng, tiếp tục tăng 30% so với năm 2019…
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, đã giải ngân hết 100% số kinh phí đã bố trí. Trong 2020, có 2 dự án viện trợ hoàn thành, đạt chất lượng đưa vào sử dụng. Đó là Trường PTTH Phông-xa-lỳ và Trường năng khiếu tỉnh Xiêng-khoảng.
Số liệu thống kê cho biết, trong 10 năm qua, viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào (qua kênh Chính phủ) là 6.350 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020 là 3.250 tỷ đồng). Trong đó, có 54 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu đề ra. Sắp tới 02 Dự án trọng điểm là Bệnh viện hữu nghị tại hai tỉnh Hủa-phăn và Xiêng-khoảng dự kiến sẽ bàn giao đúng tiến độ, chào mừng Đại hội Đảng hai nước.
Tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt - Lào
Mặc dù đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được trong hợp tác song phương Việt - Lào, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào, cũng thừa nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn.
Trong đó, nổi bật là nội dung một số thỏa thuận cấp cao triển khai chậm; trao đổi đoàn ở một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả chưa cao; an ninh trên tuyến biên giới còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, kế hoạch kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, thủ tục hành chính và kết nối cơ sở hạ tầng giao thông triển khai chậm; một số dự án chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng; kim ngạch thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên; cơ chế quản lý và sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào còn chậm được đổi mới, hiệu quả chưa cao; công tác duy tu, bảo dưỡng các dự án đã hoàn thành chưa được quan tâm đúng mức…
“Chính vì vậy, thời gian tới, phải tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam -Lào, nhất là kết nối về giao thông - vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bên cạnh định hướng quan trọng này này, theo Bộ trưởng, phải có biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào và của Lào tại Việt Nam; kiên quyết khắc phục tình trạng chậm trễ, dàn trải trong hợp tác đầu tư, tạo thuận lợi phát triển giao thương giữa hai nước; thúc đẩy tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều…
Các giải pháp cụ thể được Bộ trưởng nhắc tới, đó là quan tâm hỗ trợ, giải quyết các khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, về vốn, thuế, lao động...; tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo lập niềm tin của các nhà đầu tư; có những cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm đảm bảo về an ninh - quốc phòng của hai Bên…
“Chúng ta cũng cần triển khai có hiệu quả cơ chế Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo Chính phủ mỗi nước với cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Xỏn-xay Xỉ-phăn-đon ký kết thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2021 trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước |
Ở góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng đạt 10-15% trong thời gian tới.
Theo đó, cần tà soát, đánh giá Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và các cơ chế ưu đãi trong thương mại giữa hai nước; đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình thực tế… để thúc đẩy thương mại song phương.
Bên cạnh việc đề nghị phía Lào tháo gỡ khó khăn cho các dự án của Việt Nam đầu tư tại Lào, cũng như tăng cường hợp tác về mua bán điện, giao thông - vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ tăng cường hỗ trợ Lào kinh nghiệm về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh…