Thách thức tụt hậu
Đúng như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 (VDF 2017), đó là đã có sự “đồng nhịp về tư duy và quan điểm” của Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển khi quyết định chọn “Tăng năng suất, đòn bẩy cho phát triển bền vững” làm chủ đề của VDF 2017.
Đồng nhịp, nên các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đều thống nhất rằng, nâng cao năng suất đang là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong trung và dài hạn. Hiện tại, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam thậm chí đã chậm lại.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc VDF 2017. Ảnh: Đức Thanh |
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng thật khó có thể tự hào khi mà năng suất lao động của Việt Nam còn thấp xa so với một số nước khu vực, chỉ bằng khoảng 16,5% của Malaysia, 38% của Thái Lan”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận như vậy.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhiều năm qua vẫn chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam bày tỏ lo ngại khi tốc độ tăng năng suất của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 4%, trong khi các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore đạt 7-8% vào thời điểm phát triển tương đương Việt Nam.
Còn GS. Kenichi Ohno (Học viện Quốc gia về nghiên cứu chính sách GRIPS - Nhật Bản) thậm chí còn nói về một “bức tranh ảm đạm” năng suất của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã chậm lại, do năng suất lao động tăng chậm.
Đây là một thực tế. Bởi một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần, từ bình quân 7,3% của giai đoạn 1990 - 2000 xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001 - 2010 và thậm chí chỉ là 5,96% cho giai đoạn 2011 - 2016.
“Nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm, thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.
Theo tính toán của CIEM, để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,85%/năm trong 3 năm tới, hay mục tiêu 6,5-7% giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất phải tăng nhanh hơn nữa, trong đó tăng năng suất lao động phải đạt bình quân 6% so với 4,6% giai đoạn 2011-2015 và 5,5% giai đoạn 2014-2016. Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động phải tăng thêm 26% so với giai đoạn 2011-2017 và khoảng 10% so với giai đoạn 2014-2016.
“Đây là mục tiêu đầy thách thức đối với Việt Nam hiện nay”, ông Cung nhấn mạnh.
Nhưng không đẩy mạnh được tăng năng suất, Việt Nam sẽ dính bẫy thu nhập trung bình, sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Vì thế, Chính phủ đã xác định phải gia tăng năng suất để tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững. Các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đồng thuận điều này.
Giải bài toán tăng năng suất, vượt bẫy thu nhập trung bình
Tiếp tục có một sự đồng thuận rất lớn từ quan điểm của Chính phủ, các đối tác phát triển và các chuyên gia về việc Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn để gia tăng năng suất. Có hai lĩnh vực, mà theo các đối tác phát triển, các chuyên gia, là nếu tập trung tăng năng suất, sẽ thúc đẩy được tăng năng suất của toàn nền kinh tế. Đó là nông nghiệp và doanh nghiệp nhà nước.
năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
Theo kinh nghiệm của Israel về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Amnon Ofen, Giám đốc NaanDanJain, chuyên gia nông nghiệp và thủy lợi của Israel cho rằng, Việt Nam có thể nâng cao năng suất và xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả dựa trên kinh nghiệm của Israel và quốc tế.
“Nên thành lập các trung tâm đào tạo và các đơn vị nghiên cứu và phát triển cho công nghệ nông nghiệp tiên tiến; có cơ chế khuyến khích và trợ cấp với công nghệ nông nghiệp mới; phát triển nông nghiệp chính xác, tự động hóa; xây dựng các dự án tích hợp quy mô lớn tầm cỡ khu vực về nông nghiệp từ nguồn nước tới bộ rễ”, ông Amnon nói.
Trong khi đó, gửi tới Diễn đàn VDF một tuyên bố chung, đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho rằng, đã đến lúc thước đo của sự thành công không phụ thuộc vào diện tích canh tác, mà dựa vào sự đầu tư về khoa học - kỹ thuật. “Sự thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội mới cho những nông dân có năng lực kỹ thuật, những người sản xuất được nhiều hơn với chi phí ít hơn, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm an toàn và đa dạng, mang lại nguồn thu nhập tương đối cho chính bản thân họ”, vị này nói.
Thực tế, chuyện “sản xuất được nhiều hơn với chi phí ít hơn” không phải là câu chuyện của riêng ngành nông nghiệp mà của cả nền kinh tế. Với các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy. Ông Nguyễn Đình Cung, khi phát biểu tại VDF, cũng bày tỏ sự lo ngại khi khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện có tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn hàng năm chiếm khoảng 40% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp trên cả nước, sử dụng khoảng 70% đất đai và 70% vốn đầu tư từ viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhưng đóng góp rất hạn chế vào tăng năng suất.
“Trình độ công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh của khu vực này còn thấp, do đó thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này, giải phóng nguồn lực về nơi sử dụng hiệu quả hơn, đồng thời hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động sẽ góp phần đáng kể vào thúc đẩy tăng năng suất ở Việt Nam”, ông Cung nói.
Đồng quan điểm, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhắc đến chuyện các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, sử dụng nguồn lực khan hiếm, nhưng chưa đảm bảo hiệu suất để cảnh báo về những nguyên nhân khiến năng suất của Việt Nam chưa cao.
Theo ông Sudhir Shetty, các quyết định đầu tư công chưa hiệu quả - do quá trình ra quyết định thiếu sự phối hợp cũng là nguyên nhân khiến năng suất của nền kinh tế Việt Nam chưa cao. Chưa kể, ông Sudhir Shetty lo ngại, khu vực tư nhân trong nước cũng đã trở nên kém năng suất không kém khu vực công.
“Phải xác định đúng đắn đâu là động lực của nền kinh tế để tăng cường hiệu suất phân bổ nguồn lực. Cần tạo thể chế thị trường hiệu quả, bao gồm thị trường các yếu tố sản xuất (đất đai và vốn) và cơ chế cạnh tranh. Điều này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được năng suất cao hơn”, ông Sudhir Shetty nói.
Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio khẳng định, việc suy giảm tăng năng suất của Việt Nam chính là một “điểm nghẽn”. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra thể chế, chính sách để nâng cao năng suất, thông qua cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ ODA, cũng như tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Và thông điệp của Việt Nam
Đánh giá cao những ý kiến của các chuyên gia, các đối tác phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn đã nhấn mạnh việc sẽ tập hợp, phát hành kỷ yếu tất cả các bài phát biểu này để nghiên cứu và vận dụng thực tiễn, biến thành những hành động cụ thể, qua đó thúc đẩy tăng năng suất tại Việt Nam. Tinh thần cầu thị của người đứng đầu Chính phủ đã được các đối tác phát triển đánh giá cao.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, Việt Nam sẽ phải làm gì để nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững? Một câu hỏi dễ, nhưng câu trả lời lại không dễ - như Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đã nói.
Song khẳng định từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là nguồn lực công, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng ngành kinh tế.
Theo Thủ tướng, nhìn tổng thể, cải thiện năng suất không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn và quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, các đối tác phát triển, các chuyên gia kinh tế đã rất đúng khi nói rằng, Việt Nam cần phải quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước - nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế, nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng.
Các vấn đề liên quan đến tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, các thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh; cải thiện cơ chế phân bổ vốn dựa trên hiệu quả, tín hiệu thị trường; nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP… sẽ được Chính phủ Việt Nam tập trung thực hiện trong thời gian tới.
“Nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm. Trên nền tảng nâng cao TFP, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nhấn mạnh.