Thời sự
Tạo đột phá về phát triển bền vững cho miền Trung - Tây Nguyên
Hoàng Anh - 17/03/2023 22:20
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang gợi mở 3 vấn đề lớn để khu vực miền Trung - Tây Nguyên tạo đột phá về phát triển bền vững.

Cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững

Chiều 13/7, tại TP.Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023.

Diễn đàn do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức, với chủ đề Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chúng ta đang chứng kiến tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, với cơ hội và thách thức đan xen. Thời gian gần đây, mặt khó khăn nổi lên nhiều hơn. Đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề. Kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và bứt phá vươn lên. “Tăng trưởng xanh”, “chuyển đổi số” trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023.

Tại nước ta, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã nêu rõ: “Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”.

Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với việc cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ 21; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu. Tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã cùng các nước G7 và một số đối tác quốc tế công bố Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang triển khai Tuyên bố này.

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình khoảng 38%/năm.

Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD. Những kết quả trên đã đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh thứ hai thế giới và tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Google và Temasek, giá trị kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và 120-200 tỷ USD vào năm 2030.

Tạo đột phá cho miền Trung – Tây Nguyên

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Nghị quyết số 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… và đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Theo hướng này, trong thời gian qua, các địa phương và doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thể hiện quyết tâm rất cao, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

“Các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực đã xây dựng, ban hành và thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tích cực tìm kiếm các mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đề cao đổi mới sáng tạo.  Trong tiến trình này, chúng ta cũng thấy rõ rằng, để có thể đạt được những kết quả có tính “đột phá”, “bứt phá” thì còn rất nhiều việc phải làm. Cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa”, Phó thủ tướng nhận mạnh.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã gợi mở 3 vấn đề lớn để có thể tạo đột phá về phát triển bền vững cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Thứ nhất, từ các bài học và kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững tại địa phương.

Thứ hai, đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thu hút các nguồn lực cả trong nước và quốc tế nhằm phục vụ các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Các địa phương miền Trung - Tây Nguyên hướng đến tạo đột phá về phát triển bền vững.

Thứ ba, đề xuất các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên để các địa phương, doanh nghiệp, các đối tác quốc tế nghiên cứu khả năng hợp tác và triển khai trong thời gian tới.

“Trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính phủ và các địa phương liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội và triển khai các hoạt động hợp tác; đồng hành cùng các đối tác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh”, Phó thủ tướng khẳng định.

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023 có sự tham dự của hơn 20 đại sứ quán, lãnh sự quán, gần 20 đại diện lãnh đạo các Tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và hơn 300 đại diện doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam

Diễn đàn tập trung đề cập và bàn thảo về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số”, xu hướng và các mô hình, giải pháp đang triển khai trên thế giới, đánh giá cơ hội và khả năng ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam. Ngoài ra các chuyên gia và lãnh đạo các địa phương cũng phân tích và thảo luận những thực tiễn đang đặt ra tại các tỉnh thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên về phát triển bền vững…

Tin liên quan
Tin khác