Giữa tháng 5 vừa qua, Thaco đã đề nghị Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam cho phép 4 doanh nghiệp mà Thaco là chủ đầu tư, gồm Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và Lắp ráp ô tô tải Chu Lai - Trường Hải, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và Lắp ráp ô tô khách Trường Hải, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và Lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải - Kia và Công ty TNHH Sản xuất và Lắp ráp ô tô Vina Mazda, được gia hạn thuế nhập khẩu trong 1 năm, từ ngày 1/7/2013 đến ngày 30/6/2014, với số tiền thuế trên 1.200 tỷ đồng.
| ||
Thaco chủ trương tiếp tục đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. (Ảnh: Đức Thanh) |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTV của Thaco cho hay, các khoản thuế này chưa phát sinh trên thực tế và sẽ chỉ có khi doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ hoạt động lắp ráp và sản xuất xe ô tô trong thời gian từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2014.
Số thuế mà Thaco xin giãn 1 năm này, thay vì nộp cho ngân sách, sẽ được doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất ô tô mà Công ty đang theo đuổi ở các khía cạnh công nghiệp hỗ trợ, cảng và hậu cần cảng, trường cao đẳng nghề, nhà ở cho công nhân…
“Nếu không tiếp tục đầu tư để đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, thì năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN hạ xuống 0%, việc sản xuất ô tô tại Khu phức hợp Chu Lai (Quảng Nam) của Thaco sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Dương cho biết.
Trước đó, vào năm 2003, Thaco đã quyết định đầu tư mới hoàn toàn vào Khu kinh tế mở Chu Lai, thay vì tiếp tục phát triển trên cơ sở sản xuất có sẵn tại Biên Hòa (Đồng Nai).
Tới nay, tại Chu Lai, Thaco đã đầu tư và thành lập 21 công ty, với số vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động tại địa phương. Số thuế mà Thaco đã nộp lũy kế từ năm 2004 tới năm 2012 là 11.430 tỷ đồng.
Mục tiêu được Thaco đặt ra là tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn toàn cầu, mà cụ thể ở đây là các nhãn hiệu Kia và Hyundai (Hàn Quốc).
Cũng theo hướng này, từ tháng 8/2011, Thaco đã đàm phán với Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để tiến hành đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ diesel D4 trên 100 mã lực, với 3 dây chuyền chế tạo 3 chi tiết chính và dây chuyền lắp ráp thử nghiệm có công suất 20.000 động cơ/năm.
Dự án đã được đầu tư trên 7.000 tỷ đồng, dự kiến đầu tư tiếp trên 800 tỷ đồng trong năm 2013 và 1.800 tỷ đồng trong năm 2014. Theo kế hoạch, tháng 2/2015, giai đoạn I của Dự án sẽ đi vào sản xuất đầy đủ, với sản phẩm là các dòng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2 và Euro 3.
Đáng chú ý là, dù được xếp vào nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, nhưng quá trình xét duyệt hồ sơ của cơ quan hữu trách với dự án sản xuất động cơ nói trên mất khá nhiều thời gian. Chưa kể, số tiền cho vay và lãi suất vay ở thời điểm này không phải quá hấp dẫn, nhất là với những dự án đầu tư lớn cho công nghiệp chế tạo do thời gian thu hồi vốn không thể nhanh như dự án thương mại.
Ngoài đầu tư vào động cơ ô tô, Thaco hiện đã đầu tư 5.300 tỷ đồng cho nhóm công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ và dự kiến nâng mức đầu tư cho khối này lên 5.895 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2014. Để hỗ trợ hoạt động sản xuất ô tô, vấn đề hạ tầng khu công nghiệp, cảng và hậu cần, trường cao đẳng nghề và vận tải logistics cũng được Thaco chủ động triển khai đầu tư, thay vì ngồi chờ doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ.
Trên thực tế, với một số dự án lớn như Samsung, Nokia hay Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chính phủ đã có những chính sách riêng trong thời gian nhất định để nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền ra xây dựng cơ sở sản xuất và kéo theo các vệ tinh vào đầu tư tại Việt Nam.
Như vậy, những doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư sản xuất, có dự án và chương trình rõ ràng để phát triển sản xuất cũng cần được trợ giúp, để có thể có được nền tảng sản xuất vững vàng trong tương lai.
Thanh Hương