Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban quốc tế, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có được thành tích này là nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời. “Nhưng để doanh nghiệp phát triển bển vững, nên tập trung vào hỗ trợ phía cung, thay vì phía cầu”, ông Thắng đề xuất.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban quốc tế, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Trong 11 tháng của năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đã vượt qua con số 200.000 đơn vị. Ông bình luận gì về con số này?
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, từ đầu năm đến nay, có trên 146.000 doanh nghiệp thành lập mới. Bên cạnh đó, có gần 55.500 doanh nghiệp sau thời gian tạm ngừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động. Như vậy, từ đầu năm đến nay có tổng cộng khoảng 201.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường, bình quân mỗi tháng có 18.300 đơn vị gia nhập thị trường, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là những con số gây ấn tượng mạnh, nhưng cũng còn nhiều băn khoăn, đó là doanh nghiệp thành lập nhiều, nhưng vốn bình quân mỗi doanh nghiệp lại giảm trên 13%. Tổng số vốn khu vực doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế, kể cả thành lập mới lẫn tái gia nhập thị trường giảm tới 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Nghĩa là, doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi, trong khi ông cha ta có câu “buôn tài không bằng dài vốn”.
Bên cạnh con số kỷ lục doanh nghiệp gia nhập thị trường, thì trong 11 tháng của năm nay, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cũng đạt kỷ lục?
Có sinh thì có tử cũng là lẽ thường. Số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều, năm sau vượt năm trước, thì số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng lên, năm sau tăng hơn năm trước cũng là hợp tự nhiên. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 85.400 đơn vị; gần 57.200 cơ sở kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể. Thêm vào đó, có khoảng 16.200 cơ sở khác đã giải thể, đóng cửa.
Như tôi đã nói, số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều thì rút lui khỏi thị trường lắm là hợp với quy luật phát triển, hợp với quy luật đào thải của thị trường. Chỉ có điều, doanh nghiệp tạm ngừng tăng 21,7%, chờ giải thể tăng 26,3%, trong khi gia nhập thị trường chỉ tăng có 3,5%. Hiện tại, sau khi “cân đối”, mỗi tháng thị trường có thêm 3.900 doanh nghiệp, nhưng nếu tốc độ gia nhập và rút lui như hiện nay, thì điều gì sẽ xảy ra nếu không phải là số lượng doanh nghiệp bị giảm xuống.
Có bức tranh nhiều gam màu sáng - tối đan xen này là do từ đầu quý IV/2022 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn bởi yếu tố khách quan, thưa ông?
Sau đại dịch Covid-19, ai cũng nghĩ rằng, kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thực tế lại không như dự đoán.
Rất mừng là Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hợp lý để ứng phó với môi trường kinh doanh khó khăn của thế giới. Tuy nhiên, để phác họa thì chỉ có thể nói, môi trường đầu tư, kinh doanh từ đầu năm đến nay có cả những cái thuận lẫn cái nghịch.
Thuận là chi phí sản xuất, kinh doanh giảm liên tục qua chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Đặc biệt là lãi suất vay vốn ngân hàng giảm, nhờ đó, doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào.
Còn cái nghịch là cầu nội địa quá yếu, trong khi xuất khẩu mặc dù đã dần phục hồi, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, 11 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 7% (sau khi loại trừ lạm phát) không bằng nửa so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 16,6%); kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 93,6%.
Điểm nghịch nữa là tuy lãi suất giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng 11 tháng của năm nay mới đạt trên 8% so với đầu năm, còn thấp rất xa so với room được Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm 2023 là 14% và có thể tăng cao hơn nếu nền kinh tế hấp thụ vốn tốt.
Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?
Tôi nghĩ rằng, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa trúng trọng tâm. Thực ra, ngoài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% là hướng đến kích cầu tiêu dùng, nhưng rất tiếc triển khai quá muộn, phải đến ngày 1/7/2023 mới thực hiện, còn lại, việc gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; giảm lãi suất vay vốn ngân hàng là đang hỗ trợ cung, kích cung, kích thích sản xuất, kinh doanh.
Một khi đầu ra gặp khó, thì ít có doanh nghiệp nào dám vay vốn ngân hàng đầu tư mở rộng hoạt động dù lãi suất có giảm mạnh hơn nữa, vì không ai dại gì vay vốn đưa vào hoạt động, sản xuất ra hàng hóa rồi đem cất vào kho chờ thị trường tăng trưởng trở lại mới đem bán. Vì vậy, chẳng khó gì mà không lý giải nổi vì sao lãi suất cho vay giảm liên tục, ngân hàng cũng đứng ngồi không yên khi vốn huy động về không cho vay ra được. Tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay rất thấp, có lẽ thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây.
Kích cầu là vấn đề được nhiều chuyên gia nói đến. Theo ông, kích cầu tiêu dùng bằng cách nào?
Rất mừng là Quốc hội đã đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng thêm 6 tháng nữa, ít nhất là đến ngày 30/6/2024 và có thể tiếp tục kéo dài chính sách này đến hết năm 2024. Nhưng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để tăng thu nhập thực tế của người dân, qua đó gián tiếp kích cầu thì chưa được đề cập.
Kích cầu tiêu dùng nội địa bằng cách nào đang được nhiều cơ quan nghiên cứu, ở đây tôi muốn nêu kinh nghiệm của Thái Lan. Để kích cầu nội địa, mới đây, Thủ tướng Thái Lan đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới, trong đó, chính sách mới nổi bật của nước này là tất cả công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ được nhận 10.000 baht/người, tức gần 7 triệu đồng. Khi “trong tay sẵn có đồng tiền”, người Thái tăng chi tiêu, qua đó kích cầu nội địa.