Doanh nhân Lê Phước Vũ.
Doanh nghiệp Việt Nam, không kể là doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ, đang trong thời điểm khó khăn lớn nhất từ trước đến giờ. Những diễn biến bất ổn của kinh tế vĩ mô liên tục trong vài năm qua gây nhiều bất ngờ với doanh nghiệp, khiến không ít doanh nghiệp buộc phải thực hiện giải pháp phòng thủ.
Đây là lúc tinh thần doanh nhân và bản lĩnh doanh nghiệp được thử thách, đòi hỏi các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp có quyết sách kịp thời và đúng đắn.
Cho tới thời điểm này, có thể nói, các giải pháp chính sách của Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là chính xác, đúng đắn, song để giải quyết căn bản các tồn tại của nền kinh tế, cần thêm nhiều giải pháp, nhất là trong chính sách đầu tư công, chính sách tiền tệ với quyết tâm cao từ phía Chính phủ.
Điều này cũng có nghĩa là, cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức nỗ lực để thích nghi và tồn tại. Nếu như các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa khó khăn trong tiếp cận vốn, có thể buộc phải vay vốn với lãi suất rất cao hoặc không vay được, thì doanh nghiệp quy mô lớn cũng khó khăn không nhỏ.
Nhu cầu đầu tư trong xã hội sụt giảm, người tiêu dùng, doanh nghiệp chọn cách hoạt động an toàn hơn là đầu tư. Không ít doanh nghiệp chọn giải pháp giảm sản lượng, doanh thu, giảm thời gian làm việc của máy móc thiết bị để cắt giảm chi phí, đảm bảo duy trì sức sản xuất ở mức tối thiểu.
Riêng với Tập đoàn Hoa Sen, mặc dù năm nay chúng tôi vẫn đảm bảo tăng trưởng 60% về doanh thu, nhưng lợi nhuận giảm nhiều. Ngay cả mức tăng trưởng doanh thu này cũng đã là một nỗ lực lớn, phần nhiều nhờ lợi thế về hệ thống bán lẻ, uy tín thương hiệu mà chúng tôi đã xây dựng được từ trước.
Đặc biệt, chúng tôi đang thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện tại, lượng hàng xuất khẩu đã đạt gần 25-30% sản lượng, tập trung chủ yếu vào thị trường các nước Đông Nam Á, Australia, Nam Á, châu Phi. Kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu đang được xúc tiến.
Hiện tại, mọi nguồn lực đang tập trung vào lĩnh vực chính của doanh nghiệp là tôn, thép. Các khoản vốn đầu tư trong các lĩnh vực cảng biển, bất động sản được chuyển nhượng, kế hoạch mua bán sáp nhập chưa được xem xét đến. Đây chính là cách đi mà chúng tôi xác định là đúng đắn trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Vấn đề quan trọng nhất trong lúc này là giữ vững tinh thần kinh doanh. Bên cạnh những quyết sách, hành động kiên quyết của Chính phủ, vai trò của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp đặc biệt quan trọng để cổ vũ các doanh nghiệp giữ vững lòng tin, tăng cường liên kết để chớp thời cơ, tìm giải pháp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì trong lúc này, nếu lòng tin giảm sút, doanh nghiệp rơi vào thế bị động, sức sản xuất và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
(*) Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen
Lê Phước Vũ (*)